ĐHĐCĐ OCB: Kế hoạch lãi 5.500 tỷ đồng, chia cổ tức 25%

ĐHĐCĐ OCB: Kế hoạch lãi 5.500 tỷ đồng, chia cổ tức 25%

Duy trì tăng trưởng ổn định trong bối cảnh dịch COVID-19

Đánh giá về hoạt động năm 2020, ban lãnh đạo ngân hàng cho biết đây là một năm có nhiều thách thức với nền kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng, tuy nhiên với những chiến lược kịp thời và thích ứng nhanh nhạy, OCB đã tiếp tục hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng tăng 37% so với năm trước đạt 4.419 tỷ đồng, hoàn thành 101% kế hoạch. Ngân hàng đã vươn lên Top 2 trong các ngân hàng TMCP về tỷ suất lợi nhuận bình quân ROAA và ROEA (lần lượt đạt 2,61% và 24,42%), Top 10 các NHTM cổ phần về lợi nhuận trước thuế và Top 4 ngân hàng hiệu quả nhất Việt Nam do Forbes bình chọn.

Tính tới 31/12/2020, tổng tài sản của OCB đạt 152,5 nghìn tỷ đồng, tăng 29% trong đó dư nợ tín dụng thị trường 1 đạt 90,2 nghìn tỷ đồng, tăng 24%.  Số dư huy động tiền gửi khách hàng cũng ghi nhận tăng trưởng cao 27% đạt 108,4 nghìn tỷ đồng.

“Kết quả kinh doanh đạt được trong năm 2020 góp phần đánh dấu việc hoàn thành mục tiêu 5 năm giai đoạn 2016-2020 của OCB với tổng tài sản tăng 2,4 lần, vốn điều lệ tăng 2,73 lần, vốn chủ sở hữu tăng 3,7 lần, lợi nhuận tăng 9 lần”, Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Tuấn cho biết.

Đầu năm 2021, ngân hàng thành công đưa cổ phiếu OCB niêm yết trên Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) đưa giá trị vốn hoá của OCB đạt trên 25.000 tỷ đồng, là bước tiến quan trọng khẳng định vị thế và tính minh bạch của ngân hàng. Hiện tại OCB có hơn 9.000 cổ đông so với mức 4.000 cổ đông vào thời điểm bắt đầu niêm yết, điều này cho thấy sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư đến cổ phiếu OCB.

Mục tiêu lãi trước thuế 5.500 tỷ đồng trong năm 2021

Dựa trên những kết quả khả quan năm 2020, Hội đồng Quản trị (HĐQT) trình đại hội cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2021 với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 25%, lợi nhuận trước thuế đạt 5.500 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2020 và mục tiêu cổ tức 20 – 25%.

Để đạt được những mục tiêu trên, ngân hàng cho biết sẽ tập trung vào mảng bán lẻ và các phân khúc ưu tiên, tối ưu hoá về công nghệ, đẩy mạnh sản phẩm dịch vụ ngân hàng số, triển khai nâng cao hệ thống quản trị rủi ro theo chuẩn mực nâng cao của Basel II và đẩy mạnh hợp tác chiến lược với các đối tác quốc tế để huy động vốn giá tốt.

“Chúng tôi định hướng đưa OCB trở thành ngân hàng trong Top 5 các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân tại Việt Nam”, ông Trịnh Văn Tuấn chia sẻ.

Chủ tịch OCB cho biết năm 2020 cũng đánh dấu nước nhảy vọt của ứng dụng ngân hàng số OCB OMNI với số lượng khách hàng tăng 66%, số lượng giao dịch trực tuyến tăng trưởng 250%, tỷ trọng số lượng giao dịch trên OCB OMNI trên tổng giao dịch đạt 83%. OCB là ngân hàng duy nhất tại Việt Nam đạt giải thưởng “Ngân hàng chuyển đổi số tốt nhất Việt Nam 2020” do Tạp chí tài chính quốc tế IFM trao tặng. Đây chính là nền tảng để năm 2021 OCB dự kiến có nhiều bứt phá về mặt chuyển đổi số.

Đặc biệt, sau cuộc thi Open API Challenge vừa qua, OCB tiếp tục làm việc với 2 đối tác Fintech để phát triển sản phẩm từ nền tảng này. Nền tảng Open API được xây dựng và kỳ vọng cho phép các bên thứ ba tiếp cận vào Sandbox (cơ chế thử nghiệm) của OCB để phát triển những sản phẩm tài chính trên cơ sở chia sẻ tài nguyên với ngân hàng… Những bước đi này sẽ giúp số hóa vẫn là chiến lược trọng tâm và góp phần đưa OCB trở thành ngân hàng hàng đầu trong lĩnh vực này tại Việt Nam.

ĐHĐCĐ OCB: Kế hoạch lãi 5.500 tỷ đồng, chia cổ tức 25% - Ảnh 1.