Kế hoạch cổ phần hoá DNNN, tăng vốn cho ngân hàng quốc doanh có thể bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19?
Nhóm phân tích của chứng khoán KB Securities (KBSV) mới đây đã đưa ra nhận định, mức độ hòa nhập và độ mở kinh tế Việt Nam hiện đã có sự khác biệt hoàn toàn so với giai đoạn dịch SARS. Tác động của dịch Corona đến biến động TTCK Việt Nam chắc chắn sẽ lớn hơn nhiều.
KBSV cho rằng, Covid-19 không chỉ gây ra các ảnh hưởng lớn hơn đến tăng trưởng kinh tế trong nước, tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết, mà còn tác động đến các kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, tăng vốn ngân hàng quốc doanh của Chính phủ.
Theo nhận định này, việc tăng vốn của nhóm ngân hàng quốc doanh có thể sẽ lại phải hoãn.
Trong khi trước đó, tại cuộc gặp mặt đầu xuân tại ngân hàng MBBank, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết trong quý I/2020, Chính phủ sẽ tăng vốn điều lệ khoảng 10.000 tỷ đồng cho hai ngân hàng Vietcombank và VietinBank. Còn với Agribank toàn bộ lợi nhuận nộp ngân sách trong năm 2020 sẽ được dùng để tăng vốn điều lệ cho ngân hàng này.
Với riêng VietinBank, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng từng chia sẻ hồi đầu năm, Chính phủ đã có chủ trương tăng vốn cho VietinBank được giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2017, 2018. Bộ Tài chính hiện đang hoàn thiện sửa đổi Nghị định để báo cáo Chính phủ tăng vốn.
Tuy nhiên, chỉ còn khoảng 2 tuần nữa sẽ kết thúc quý 1, nhưng thông tin mới về việc tăng vốn vẫn chưa xuất hiện.
Trên thực tế, việc tăng vốn la yêu cầu giúp ngân hàng đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn, có dư địa để tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, thay vì sợ hết “room” tín dụng như những năm trước, các ngân hàng lại đang gặp không ít khó khăn trong việc tăng trưởng. Dù đã tung các gói tín dụng ưu đãi, tăng trưởng tín dụng trong 2 tháng đầu năm của hệ thống chỉ vỏn vẹn 0,06%, mức thấp nhất 6 năm trở lại đây. Lãnh đạo nhiều ngân hàng cũng chia sẻ gặp khó khăn khi doanh nghiệp không có nhu cầu vay.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQ Vietcombank cho biết, thời gian qua, ngân hàng tăng trưởng cho vay xấp xỉ con số chung của toàn ngành và đang tiếp tục thúc đẩy cho vay mạnh hơn. Những tháng đầu năm cũng là thời gian người dân ít có nhu cầu vay tiền. Mặt khác, dịch Covid-19 cũng tác động đến hoạt động doanh nghiệp, gián tiếp ảnh hưởng đến nhu cầu vay của nhóm khách hàng này.
Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng tại BIDV bị âm 2%, huy động giảm 1,6%. Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV cho biết đây là xu hướng chung của các ngân hàng hiện nay do tác động kép của dịch Covid-19 và nhu cầu của người dân.
Như vậy, trong bối cảnh hiện tại, việc tăng vốn cho các ngân hàng quốc doanh bằng nguồn ngân sách lại gặp thêm không ít khó khăn và không ngoài khả năng phải chờ thêm một thời gian nữa.