Triển vọng nào cho TPBank những tháng cuối năm?
Trong 6 tháng đầu năm, TPBank hoạt động kinh doanh tăng trưởng mạnh. Lợi nhuận trước thuế quý 2 đạt hơn 1.500 tỷ đồng, tăng gần 55% so với cùng kỳ năm ngoái; lũy kế 6 tháng đầu năm đạt hơn 3.000 tỷ đồng, tăng 47,8% so với cùng kỳ, đạt 52% trong kế hoạch năm 2021 do TPB đề ra.
Trong đó, thu nhập lãi thuần của 6 tháng đầu năm 2021 tăng 20% so với 6 tháng đầu năm 2020, chủ yếu nhờ có sự tăng trưởng trong thu nhập lãi cho vay khách hàng, tuy nhiên khoản thu nhập lãi từ tiền gửi có sự sụt giảm mạnh so với 6 tháng đầu năm 2020. NIM quý 2/2021 của TPBank tăng lên mức 4,4%, chủ yếu do chi phí huy động thấp ở mức 3,8%, đây là mức thấp nhất kể từ năm 2017 đến nay của ngân hàng.
Các mảng kinh doanh ngoài lãi cũng tăng trưởng mạnh mẽ. Chi phí hoạt động (OPEX) tiếp tục được tối ưu hóa và chi phí trên thu nhập (CIR) được khống chế ở mức 36%.
Chất lượng tài sản cải thiện mạnh mẽ, cụ thể, nợ xấu (NPL) từ Nhóm 3-5 giảm từ 1,19% xuống 1,15%. Nợ nhóm 2 giảm mạnh 10,7% so với quý 1, còn 1.938 tỷ đồng. TPB tích cực xóa 400 tỷ nợ xấu trong kỳ, nâng tổng mức xóa nợ xấu 6 tháng đầu năm lên 710,1 tỷ. Chi phí dự phòng quý 2/2021 tăng 38,6% so với cùng kỳ lên 612,2 tỷ, nâng tỷ lệ bao phủ nợ xấu LLR lên mức cao mới 144,8%, so với mức 134% của quý 1.
Bên cạnh đó, TPB còn cắt giảm tỷ trọng các phân khúc có rủi ro cao như vay mua ô tô và thẻ tín dụng nhằm hạn chế các khả năng hình thành nợ xấu. Cuối quý 2/2021, nợ tái cơ cấu tiếp tục giảm 27% so với quý trước xuống 1.200 tỷ đồng tương ứng với 0,95% dư nợ.
Đồng thời, TPB hiện đang là một trong các ngân hàng có hiệu quả sử dụng vốn cao nhất hệ thống. Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) của ngân hàng đạt 2%, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 24,7%.
Ngân hàng TPB cho biết đã được NHNN chấp thuận nâng hạn mức tín dụng 2021 thêm 5,9% trong 6 tháng cuối năm. Như vậy, trong năm 2021, mức tín dụng của TPB là 17,4%. Trong bối cảnh nhà nước đang áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội trên nhiều tỉnh thành của cả nước, ngân hàng cho biết tăng trưởng tín dụng có dấu hiệu bị chậm lại. Tuy nhiên, TPB cũng sẽ cố gắng tận dụng tốt khoản bổ sung trong thời gian tới.
Tháng 6 năm 2021, ngân hàng TPB chính thức được NHNN chấp thuận về việc tăng vốn điều lệ thêm 1.000 tỷ đồng, nâng tổng số vốn điều lệ của ngân hàng lên hơn 11 nghìn tỉ đồng. Số vốn được tăng thêm sẽ được thực hiện thông qua phát hành riêng lẻ 100 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Theo MBS, việc tăng vốn điều lệ sẽ giúp TPB củng cố thêm hệ số an toàn vốn CAR và tăng khả năng đề kháng của ngân hàng trước những khó khăn của nền kinh tế do dịch Covid 19 kéo dài. Đồng thời, số vốn bổ sung được các chuyên gia nhận định sẽ là nền tảng giúp TPB đạt được lợi nhuận theo kế hoạch do ngân hàng đã đề ra là 5.800 tỷ đồng trong năm nay, tăng 32% so với năm 2020.
Việc nâng cao tỷ lệ CASA nhằm giảm chi phí vốn và cải thiện NIM là một trong những hoạt động được chú trọng của TPB trong năm 2021. Kết thúc 6 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ CASA tuy không thay đổi, nhưng tỉ lệ CASA đến từ doanh nghiệp đã giảm và thay vào đó là sự tăng trưởng đến từ khách hàng cá nhân và SME. Điều này cho thấy ngân hàng đang đi đúng lộ trình đã đề ra trong kì ĐHCĐ là tập trung vào phân khúc SME và khách hàng cá nhân.
Tháng 8 vừa qua, ngân hàng đã phối hợp với MoMo đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, cho ra mắt Ví trả sau Momo trên ứng dụng của ví điện tử MoMo. Đây được cho là giải pháp dành cho những người có thu nhập trung bình – nhóm người gặp nhiều hạn chế khi tiếp cận các dịch vụ vay tiêu dùng thông thường. Sự bắt tay lần này được kì vọng sẽ giúp cho TPB phát triển hơn ở mảng khách hàng cá nhân cũng như tỉ lệ CASA có sự cải thiện.
Về cổ phiếu, MBS cho rằng, với LNST trong năm 2021 đạt mức 4.412 tỷ đồng tương đương mức EPS đạt 3.765 VNĐ. Với giá cổ phiếu hiện tại, các chuyên gia MBS cho rằng tiềm năng tăng giá đối với TPB vẫn còn cao.