2 kịch bản của thị trường bất động sản từ nay đến cuối năm
Sau khi cơn sốt đất “dịu xuống”, nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, rất khó đoán định rõ ràng thị trường BĐS trong thời gian tới do hiện tại thị trường vẫn đang chịu tác động từ dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, diện mạo về một cơn sốt đất tiếp theo rất có thể xảy ra nếu dòng tiền NĐT lại tiếp tục chuyển đổi từ các kênh đầu tư khác sang BĐS – vốn vẫn là kênh được đa số NĐT ưa chuộng, tìm kiếm lợi nhuận bền vững.
Bất động sản được dự báo sẽ tiếp tục hút “dòng tiền nóng” từ chứng khoán nhằm hiện thực hóa tài sản
Theo một số chuyên gia, hiện nay, khi chứng khoán đang “nóng”, thì dòng tiền của NĐT BĐS có thể chuyển tạm thời sang kênh đầu tư này. Tuy nhiên, cũng giống như các đợt trước đây, dòng tiền của NĐT sẽ tiếp tục đổ vào BĐS khi đã thu được khoản lợi kha khá từ các kênh khác, trong đó có chứng khoán. Bởi đa số NĐT trên thị trường (có lượng khá lớn đến từ NĐT F0) vẫn xác định BĐS là kênh đầu tư có biên lợi nhuận lớn, xác định đầu tư trong trung – dài hạn. Theo đó, dự báo thời gian tới, BĐS vẫn có thể “nóng” lên.
Như thời điểm trước Tết, trên thị trường BĐS có đến 30-40% các NĐT từ lĩnh vực khác và NĐT F0 tham gia thị trường. Đây chính là các đối tượng góp phần làm nóng thị trường BĐS giai đoạn sau Tết Nguyên đán. Kịch bạn này có thể sẽ được lặp lại vào thời điểm cuối năm nay hoặc đầu năm 2022.
Theo một đại diện doanh nghiệp BĐS, quan sát thị trường đầu tư 2 thập niên qua, trong rất nhiều giai đoạn thăng trầm, hai kênh này đều có sự liên thông. Theo đó, dòng vốn bùng nổ từ kênh chứng khoán có xu hướng dừng chân ở thị trường BĐS để chốt lời, còn gọi là xu hướng hiện thực hóa tài sản. Tương tự, nếu thị trường chứng khoán có biến động tiêu cực, nhà đầu tư tài chính nhiều khả năng quay lại thị trường địa ốc để tìm một bến đỗ an toàn hơn.
Các dòng vốn mỏng, ngắn hạn thường cập bến thị trường chứng khoán, vàng hay ngoại tệ vì các kênh này có tính linh hoạt cao và vốn ít cũng rất khó tiếp cận các tài sản nhà đất. Việc lựa chọn kênh đầu tư nào sẽ phụ thuộc khẩu vị, nguồn lực cũng như kỳ vọng và sự am hiểu của nhà đầu tư. Tuy nhiên, với nhà đầu tư có dòng vốn lớn, họ có thể chia trứng thành nhiều rổ và khó cưỡng được sức hấp dẫn của BĐS vì tỷ suất sinh lời cao, ít biến động nhanh theo phiên hoặc theo ngày đồng thời là một kênh trú ẩn tương đối an toàn.
“Có thể sau khi chứng kiến những phiên hoảng loạn của thị trường chứng khoán, các dòng vốn lớn có thể sắp xếp lại trật tự ưu tiên, chuyển hướng vào BĐS nhiều hơn. Tâm lý nhà đầu tư vẫn thích giữ tiền an toàn trong tài sản và nhiều dữ liệu thống kê đã chứng minh trong dài hạn 5-10 năm tỷ suất lợi nhuận của nhà đất luôn cao hơn rất nhiều so với các kênh đầu tư khác”, vị doanh nhân này nhấn mạnh.