Thủ tướng giải đáp chương trình ứng phó với dịch COVID-19 trong thời gian tới: Sẽ quan tâm nhiều hơn đến đội ngũ y tế
Theo chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Quốc hội sáng 12/11 đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội trong nhiệm kỳ này.
Tại phiên chất vấn, trả lời câu hỏi của đại biểu Ma Thị Thúy đến từ Tuyên Quang về chương trình hành động ứng phó với dịch COVID-19 trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, sau 2 năm thực hiện chống dịch, chúng ta cũng rút ra được nhiều kinh nghiệm. Từ kinh nghiệm đó, ta dần dần thích ứng và dần dần ta hiểu được dịch bệnh cũng như các biến chủng virus.
“Mặc dù chúng ta chưa tổng kết một cách đầy đủ, nghiêm túc, toàn diện, nhưng mà chúng ta cũng đưa ra được các trụ cột để mà phòng chống dịch”, Thủ tướng cho hay.
Một là, chúng ta phải cách ly nhanh chóng, hẹp nhất, nhanh nhất và giải tỏa nhanh nhất có thể.
Thứ hai là về xét nghiệm. Song, xét nghiệm phải khoa học, hiệu quả phải tiết kiệm, phải an toàn và tốc độ xét nghiệm phải nhanh hơn tốc độ lây lan của virus.
Trụ cột thứ ba là các biện pháp điều trị và điều trị phải từ sớm, từ xa, từ cơ sở để ngăn chặn chuyển bệnh nặng và giảm tử vong.
“Trên cơ sở đó, chúng ta cũng hình thành ra được một công thức. Đầu tiên ta có 5K, sau chúng ta lại có 5K cộng vaccine, cộng với thuốc điều trị”, Thủ tướng nói.
Thứ tư là công nghệ. Thủ tướng nhận định, việc xét nghiệm, tiêm chủng nếu làm bằng phương pháp thủ công thì không được, cho nên phải đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ. Tất nhiên, công nghệ có lúc thế này, có lúc thế kia nên chúng ta phải hoàn chỉnh dần.
Ngoài ra, ý thức của nhân dân cũng cần phải được đề cao trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, kết hợp các phương pháp Đông – Tây y, kết hợp cổ truyền với hiện đại, hoặc biện pháp giữa doanh nghiệp với công nhân, doanh nghiệp với địa phương để phòng, chống dịch.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, qua đợt dịch đã phần nào bộc lộ những hạn chế của y tế dự phòng và y tế cơ sở.
“Chúng ta phải củng cố vấn đề này bằng các công cụ tài chính, các biện pháp khác nhau, nhưng quan trọng nhất theo tôi là nguồn nhân lực, cho nên phải đầu tư cho nguồn nhân lực”, Thủ tướng nói.
Vì vậy, theo người đứng đầu Chính phủ, sắp tới đây giải pháp cần phải tập trung đó là đào tạo nguồn nhân lực. Trong đào tạo nguồn nhân lực có chính sách thu hút nguồn nhân lực xuống cơ sở.