WSJ: Những khó khăn kinh tế sẽ định hình nhiệm kỳ của ông Biden nếu đắc cử
Mặc dù nền kinh tế đang dần tươi sáng trở lại sau khi bị tàn phá bởi đại dịch nhưng tất cả mới chỉ ở bước đầu. Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo các giai đoạn tiếp theo sẽ khó khăn hơn. Những dấu hiệu mới nhất đều cho thấy sự phục hồi đang chậm lại, và các cuộc khủng hoảng gần đây chỉ ra rằng kinh tế Mỹ khó có thể có cú bật nẩy mạnh mẽ.
Đại dịch cũng đã tạo ra những thay đổi sâu sắc trong cấu trúc của một số ngành, dẫn đến những thay đổi vĩnh viễn trong cách người Mỹ chi tiêu và cách các doanh nghiệp làm ăn – đồng nghĩa thị trường lao động sẽ dịch chuyển mạnh khi nền kinh tế điều chỉnh. “Chúng ta đã đi được một nửa chặng đường, phần còn lại sẽ mất tới 2 năm hoặc thậm chí lâu hơn”, Nicholas Bloom, giáo sư kinh tế ĐH Stanford nhận định.
Thách thức này sẽ định hình nhiệm kỳ của ông Biden sau khi ông chính thức thắng cử và bước chân vào Nhà Trắng. Ông đã vạch ra những kế hoạch để tăng mạnh chi tiêu cho năng lượng sạch và cơ sở hạ tầng, chia sẻ về tham vọng tăng thuế đánh vào các hộ gia đình có thu nhập cao và mong muốn siết chặt luật lệ đối với một số ngành. Tuy nhiên, trước khi các kế hoạch này trở thành hiện thực, chính phủ của ông sẽ phải đấu tranh với các nghị sĩ đảng Cộng hòa.
Kể từ năm 1982 – dưới thời các Tổng thống của cả đảng Dân chủ và Cộng hòa – trung bình phải mất hơn 46 tháng để lấy lại được toàn bộ số việc làm đã mất đi trong các cuộc suy thoái. Trước những năm 1980, con số chỉ bằng chưa đến một nửa. Sau khủng hoảng 2008, thị trường lao động Mỹ mất tới hơn 6 năm để quay trở lại thời huy hoàng. Phải đến cuối nhiệm kỳ thứ 2 ông Obama mới được hưởng chút thành tựu.
Tất nhiên chu kỳ lần này rất khác, bởi vì nó bắt đầu với 1 cú sốc bên ngoài khiến nền kinh tế đóng cửa gần như chỉ sau 1 đêm, và sau đó khi mở cửa trở lại thì hoạt động kinh doanh sẽ hồi phục nhanh chóng. Vaccine sẽ tiếp thêm sức mạnh đáng kể cho sự trở lại của nền kinh tế, nhưng dịch bệnh càng kéo dài lâu thì càng xuất hiện thêm nhiều dấu hiệu của 1 cuộc suy thoái thông thường, ví dụ như tỷ lệ thất nghiệp dài hạn tăng lên.
Tháng 9, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ là 6,9%, đã giảm so với mức 14,7% của tháng 4 nhưng vẫn cao gấp đôi so với mức thấp kỷ lục 3,5% của tháng 2. Đã có 22 triệu việc làm biến mất trong những tháng đầu của đại dịch nhưng đến nay mới chỉ có 12 triệu việc làm mới được tạo ra.
Trong khảo sát tháng 10 của Wall Street Journal, hơn một nửa các doanh nghiệp tư nhân nhận định thị trường lao động sẽ không thể quay trở lại mức trước khủng hoảng trước năm 2023, thậm chí là lâu hơn.
Ông Biden đã đặt mục tiêu kiểm soát Covid-19 là điều đầu tiên cần phải làm để phục hồi kinh tế. Đầu tuần này ông cũng thông báo triển khai đội đặc nhiệm để vạch ra 1 chiến lược hành động cấp liên bang. Kế hoạch của ông ủng hộ cấp thêm tiền cho các doanh nghiệp nhỏ cũng như chính quyền địa phương, chi 2.000 tỷ USD trong 4 năm tới cho các dự án về khí hậu, cơ sở hạ tầng, y tế và một só lĩnh vực khác. Ông cũng muốn tăng thuế thu nhập doanh nghiệp từ 21% lên 28%, tăng mức thuế dánh vào các hộ gia đình có thu nhập 400.000 USD/năm trở lên.
Tuy nhiên việc triển khai các kế hoạch này sẽ gặp phải nhiều khó khăn với 1 Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát. Và phải đến tháng 1 cuộc đua tranhg ghế Thượng viện mới ngã ngũ.
Dưới thời ông Trump chi tiêu ngân sách đã tăng mạnh nhưng trước thềm bầu cử, các kế hoạch bơm thêm tiền cứu trợ Covid-19 đã bị tắc nghẽn do các nhà làm luật chưa thể thống nhất với nhau. Ngân sách liên bang thâm hụt 3.100 tỷ USD trong năm tài khóa kết thúc vào ngày 30/9 vừa qua, và các nghị sĩ đảng Cộng hòa không muốn con số tiếp tục tăng lên.
Trong những năm đầu của thời kỳ kinh tế phục hồi sau khủng hoảng 2007-09, chính sách tài khóa lại chính là 1 lực cản đối với nền kinh tế dù trong năm đầu ở Nhà Trắng ông Obama đã tăng chi tiêu và giảm thuế mạnh. Các thỏa thuận về ngân sách – chủ yếu được đàm phán bởi Thượng nghị sĩ Mitch McConnel và cựu Phó Tổng thống Biden – đã đặt ra mức trần cho chi tiêu không thiết yếu.
Tính theo tỷ trọng GDP thì thâm hụt ngân sách của Mỹ đã giảm trong thời kỳ 2009 đến 2015 – điều mà một số chuyên gia kinh tế cho là đã kìm hãm tăng trưởng. Một số nhà kinh tế cho rằng không cần phải lo lắng về khoản nợ tăng thêm, bởi vì hiện lãi suất đi vay đang ở mức rất thấp.
Lần này các bang bước vào cuộc khủng hoảng Covid-19 với tiềm lực tài chính mạnh hơn nhưng cú sốc cũng lớn hơn. Do đó thể trạng của nền kinh tế sẽ phụ thuộc rất nhiều vào những tháng tới. Liệu dịch có giảm xuống để trường học và doanh nghiệp mở cửa trở lại hoàn toàn hay không? Các cá nhân có thể quay trở lại với nhịp sống thường ngày, đi ăn hàng, đi du lịch bằng máy bay và tới rạp chiếu phim hay không?
Mặc dù hiện nước Mỹ vẫn đang chìm trong dịch bệnh, các bang vẫn chưa áp đặt lệnh phong tỏa trở lại. Tuy nhiên đang có nhiều dấu hiệu cho thấy người Mỹ ngại ra ngoài hơn. Theo dữ liệu của Apple, hoạt động đi lại bằng xe riêng đã giảm 9% kể từ đầu tháng 10, khi số ca nhiễm tăng trở lại, trong khi bằng phương tiện công cộng cũng giảm 9%.
Số liệu của Google thì cho thấy các chuyến đi tới cửa hàng bán lẻ và nhà hàng đang giảm ở những bang có số ca nhiễm tăng như Wisconsin, Iowa, North Dakota và Montana.
Các nhà kinh tế học đang đặt hi vọng vào nhu cầu chi tiêu bù. Các hộ gia đình đã tiết kiệm quá lâu – trung bình khoảng 20% thu nhập sau thuế kể từ tháng 4 đến nay, do đó sức chi tiêu sẽ bật tăng mạnh mẽ khi dịch bệnh đã được kiểm soát. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố sẽ khiến điều đó không diễn ra nhanh chóng như dự báo.
Từ tháng 4 đến tháng 10, số người Mỹ nói rằng họ bị mất việc làm trong 27 tuần hoặc lâu hơn đã tăng từ mức 939.000 người lên 3,6 triệu – cao nhất kể từ 2014. Nhiều ngành, từ bán lẻ, hàng không đến các rạp chiếu phim và nhà hàng đã xem xét lại cách mà họ sẽ hoạt động trong thế giới hậu đại dịch cũng như số nhân viên mà họ sẽ cần đến. Điều này sẽ dẫn đến những thay đổi lớn và dài hạn trên thị trường lao động.
Các cuộc suy thoái trước năm 1980 thường là các sự kiện ngắn hạn. Thông thường Fed sẽ tăng lãi suất để hạ nhiệt lạm phát và sau đó nhanh chóng hạ lãi suất, ảnh hưởng đến những ngành nhạy cảm lãi suất như nhà ở và ô tô. Các nhà máy sẽ chỉ đóng cửa tạm thời để giải quyết hàng tồn kho và sau đó lại mở cửa trở lại. Người lao động chỉ bị sa thải tạm thời và sau đó nhanh chóng quay trở lại công việc. Trung bình trong thời kỳ 1950 – 1970, chỉ 10% người lao động thất nghiệp hơn 6 tháng mà thôi.
Tuy nhiên sau những năm 1980, tỷ lệ tăng lên 20% và sau cuộc suy thoái mới nhất thì nhảy vọt lên 45%. Ngoài suy thoái kinh tế, nguyên nhân còn là do công nghệ phát triển và làn sóng hàng giá rẻ Trung Quốc tràn vào Mỹ khiến nhiều nhà máy phải đóng cửa vĩnh viễn.
Lần này, vì đại dịch, các ứng dụng trực tuyến và xu hướng làm việc từ xa sẽ tạo ra những thay đổi lớn tái định hình nền kinh tế. Ví dụ, trước dịch trung bình mỗi người lao động Mỹ dành khoảng hơn chục ngày mỗi năm để làm việc từ xa thì giờ đây con số lên tới 65 ngày.
Tác động của đại dịch lên nền kinh tế là rất lớn và sẽ không đồng đều. Đối với những lao động có tay nghề cao trong ngành dịch vụ, họ sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều do có thể làm việc từ xa. Tuy nhiên những tài xế xe buýt, người pha chế, nhân viên nhà hàng ở các trung tâm thành phố sẽ dễ dàng mất việc.
Nhiều khả năng thị trường lao động Mỹ sẽ đi theo hình chữ K: một số doanh nghiệp cùng những người lao động giàu có và có trình độ cao sẽ nhanh chóng hồi phục, trng khi một số ngành và lao động vốn có thu nhập thấp sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn và lâu hơn.
Cuộc khủng hoảng gần đây nhất cho thấy những lao động trình độ thấp sẽ không được hưởng lợi nhiều từ đà phục hồi kinh tế cho đến khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống rất thấp – cũng là lúc các công ty cạnh tranh với nhau để tuyển dụng nhân sự bằng cách tăng lương và tìm đến những người đã bị bỏ lại phía sau. Khoảng cách chênh lệch giàu nghèo thật sự ngày càng nới rộng.
Tham khảo Wall Street Journal