Chật vật vực dậy nền kinh tế, Trung Quốc bất ngờ khuyến khích hoạt động bán hàng rong sau nhiều năm kịch liệt phản đối
Được thúc đẩy bởi Thủ tướng Lý Khắc Cường, sự thay đổi trong chính sách được đưa ra khi hàng chục triệu lao động đã mất việc do hoạt động kinh doanh đóng cửa và hoạt động vận chuyển gặp gián đoạn trong vài tháng qua. Ngoài ra, động thái này cũng đánh dấu một bước ngoặt của chính phủ Trung Quốc trong việc cấm các hoạt động bán hàng rong nhằm thắt chặt kiểm soát khu đô thị.
Bán hàng rong thường là cách thức để người nghèo sống tại thành thị và lao động nhập cư từ các vùng nông thôn kiếm sống. Và cho đến nay chính quyền đô thị vẫn không hài lòng với loại hình kinh doanh này, bởi họ đang tìm cách cải thiện cảnh quan bằng những tòa nhà cao tầng, quảng trường và những dự án xây dựng tái hiện lại các khu phố cổ.
Bởi hầu hết quán hàng rong và xe đẩy hàng hiện không được xem là hợp pháp, nên đây có thể là một cách để người kinh doanh không nộp tiền thuê nhà và đóng thuế. Thủ phủ của Bắc Kinh đã áp dụng những biện pháp cực kỳ mạnh tay trong một chiến dịch đẩy lùi hoạt động bán hàng rong vào năm 2017, yêu cầu toàn bộ cửa hàng nhỏ đóng cửa và dẹp các quán hàng rong, đẩy hàng trăm nghìn lao động ngoại tỉnh ra khỏi thành phố và coi họ là “đê đoan nhân khẩu” (low-end population).
Tuy nhiên, quan điểm của chính phủ Trung Quốc với những người bán hàng rong đã thay đổi khi vấn đề việc làm trở thành yếu tố ưu tiên cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2020. Trong chuyến thăm đến thành phố Yên Đài (tỉnh Sơn Đông) mới đây, ông Lý Khắc Cường cho biết các quầy hàng và cửa hàng nhỏ “đều rất quan trọng trong việc tạo việc làm”, là một phần không thể thiếu đối với cuộc sống thường nhật của người dân.