Biệt thự cơi nới phá vỡ quy hoạch

Biệt thự cơi nới phá vỡ quy hoạch

Tại Khu đô thị ở Hoàng Mai, nhiều căn biệt thự, liền kề có giá hàng chục tỷ đồng nhưng chủ nhà vẫn tận dụng, cơi nới đủ kiểu không đúng thiết kế như: Lắp thang máy ngoài nhà (tại căn số 82 đường 3.3, căn số 15 3.7/1, căn số 30 đường 3.7…); Xây thêm ban công sàn mái ngoài (căn tại số 11A đường 3.7/13, số 16 đường 3.2/2, số 27 đường 3.9…); Xây dựng thêm hầm rượu, bếp ăn (tại căn số 28 đường 3.9/2); Xây thêm tầng mái để lợp mái ngói đỏ (tại căn số 11 đường 3.8/1; nhà thép cao 2 tầng tại số 8 đường 3.1…).

Tại Khu đô thị Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội), chủ nhiều căn biệt thự đều tận dụng tối đa sân vườn để dựng mái tôn làm nhà kho, làm hàng quán kinh doanh tạp hóa… Thậm chí, một số căn biệt thự có vị trí đẹp còn được cải tạo, cơi nới để làm nhà hàng bia, nơi kinh doanh sửa chữa điều hòa. Tại một số căn biệt thự liền kề, chủ nhà còn “đập” cả mặt tiền tòa nhà để xây mới theo kiểu “một mình một chợ”…

Với Khu đô thị Viglacera Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), nhiều người khá bất ngờ khi thấy ngôi biệt thự khá lớn màu trắng nằm ở ven hồ đường XP4. Căn biệt thự cao 5 tầng này khác hẳn với những căn còn lại trong khu đô thị vốn chỉ được xây cao 3 tầng, mái vát.

Tại dự án Khu biệt thự nhà vườn, nhà ở thấp tầng Minh Tâm trên đường Cổ Linh (phường Long Biên, quận Long Biên) do liên danh Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Minh Tâm và Công ty CP tư vấn HANDIC làm chủ đầu tư, có đến hơn một nửa số công trình vi phạm trật tự xây dựng.

Cũng tại quận Long Biên, 7 căn nhà liền kề thấp tầng (trong dự án Lotus Sài Đồng, phố Sài Đồng, phường Việt Hưng) bị người dân phản ánh đã được sửa chữa cải tạo và đục thông các phòng, hợp khối lại với nhau. Chủ đầu tư đã hô biến từ nhà ở thành văn phòng làm việc và văn phòng cho thuê.

Xử lý các công trình sai phạm kiểu gì?

Một lãnh đạo phường Yên Sở (Hoàng Mai, Hà Nội) sau khi nghe PV Tiền Phong trao đổi về những vi phạm của các chủ biệt thự đã nói: “Sai đến đâu xử lý đến đó”. Tuy nhiên, lãnh đạo phường này cũng cho rằng, quản lý trật tự xây dựng tại khu đô thị còn khó khăn, vì đến thời điểm này, dự án vẫn chưa bàn giao hạ tầng cho UBND phường quản lý. Bên cạnh đó, những sai phạm tồn tại lâu nay một phần do chủ đầu tư, bởi chủ các căn hộ muốn hoàn thiện, xây cơi nới gì đều phải báo cáo chủ đầu tư và đặt cọc thi công. “Chúng tôi từng bàn với chủ đầu tư là phải nâng mức đặt cọc lên vài trăm triệu đồng để ràng buộc chủ căn hộ. Nếu họ thi công không đúng thiết kế sẽ có cơ sở để xử lý”, vị này nói.

Còn lãnh đạo UBND phường Long Biên cho hay, những sai phạm tại dự án nhà ở Minh Tâm tồn tại từ năm 2018 đến nay vẫn chưa thể xử lý dứt điểm, do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như lực lượng quản lý trật tự xây dựng đô thị phường còn mỏng, khó khăn cho công tác kiểm tra, giám sát.