Thu học phí 50.000 USD và dạy trực tuyến hoàn toàn, Harvard bị chê đắt!

Thu học phí 50.000 USD và dạy trực tuyến hoàn toàn, Harvard bị chê đắt!

Lucy Tu khá quen thuộc với các lớp học trực tuyến và sự kiện được tổ chức trên mạng. Cô đã hoàn thành năm cuối trung học của mình theo hình thức trực tuyến, hoàn tất vai trò biên tập viên của tờ báo trường nhờ những cuộc trò chuyện nhóm và các cuộc gọi video, tranh tài trong một giải đấu cấp toàn quốc thông qua một bài nộp video và thậm chí có một bữa tiệc tốt nghiệp nhỏ trên Zoom.

Giờ đây, cô chuẩn bị bắt đầu năm thứ nhất tại Đại học Harvard vào mùa thu tới, và cô thực sự ước mình có thể tham dự các lớp học thật ngoài đời với các bạn cùng trang lứa.

Đầu tháng này, Đại học Harvard đã công bố rằng trường có kế hoạch tiếp tục mở lại các lớp vào mùa thu hoàn toàn bằng hình thức trực tuyến. Mặc dù trường dự kiến sẽ luân chuyển sinh viên đại học trong và ngoài khuôn viên với số lượng nhỏ hơn, với sinh viên năm nhất được mời nhập học vào mùa thu và sinh viên năm cuối tựu trường vào mùa xuân, nhưng nhiều sinh viên sẽ không ở trong khuôn viên trường. Những người ở trong khuôn viên trường có thể tham dự các lớp học từ phòng ký túc xá của họ.

Tu đã chuẩn bị cho một số khác biệt vào mùa thu này do đại dịch virus corona, nhưng điều làm cô ngạc nhiên là học phí – 49.653 USD (không bao gồm tiền ăn ở) cho năm học sắp tới – sẽ vẫn như cũ.

Đối với một sinh viên như Tu, các kế hoạch của Harvard đưa ra 3 lựa chọn không hề lý tưởng: (i). trả tới 63.000 USD để sống trong khuôn viên trường trong một học kỳ, có một trải nghiệm ở mức hạn chế với các bạn cùng lớp và tham gia các lớp học trực tuyến, (ii).chỉ trả 54.000 USD cho học phí các lớp học từ nhà của cha mẹ cô ở Omaha, Nebraska, (iii). hoặc nghỉ tạm một năm để tích lũy thêm kinh nghiệm sống (gap year) vào thời điểm mà việc đi lại quốc tế khó khăn và có rất ít cơ hội việc làm cho các sinh viên năm nhất.

Cân nhắc giữa các lựa chọn

Những sinh viên đã quyết định sẽ học trường nào và sẵn sàng chấp nhận mức học phí giờ đây lại phải đối mặt với những lựa chọn thậm chí phức tạp hơn. Nên ở trong ký túc xá của trường rồi học trực tuyến hay ở nhà học trực tuyến? Và thậm chí là đại học có xứng đáng với chi phí mà họ bỏ ra ngay thời điểm này?

Mẹ của Tu, bà Libin Pan, thích cắt giảm chi phí ăn ở và cho Tu học tại nhà hơn trong năm nay. Mặc dù gia đình bà không đủ điều kiện nhận hỗ trợ tài chính do có thu nhập ở mức tương đối khá, nhưng bà nói rằng mình cũng không còn dư nhiều sau khi đóng học phí cho cả Tu và anh trai cô. Ngoài ra, là một kỹ sư máy tính, bà cũng bị giảm thu nhập do virus corona.

“Trong thời điểm khó khăn này, tôi muốn thấy các trường giảm học phí để đỡ gánh nặng cho phụ huynh. Đó là lý do tại sao chúng tôi thích cho con bé ở nhà. Ít nhất chúng tôi không phải trả chi phí nội trú”, bà nói.

Nhưng đối với Tu, học ở nhà là lựa chọn ít hấp dẫn nhất.

“Nếu nghỉ tạm một năm, có thể tôi sẽ có được một năm nhất đúng nghĩa hơn. Nếu nhập học vào mùa thu này, ít nhất tôi sẽ có khao khát hơn. Sợ rằng nếu ở nhà, tôi sẽ từ bỏ tất cả. Tôi không biết liệu mình có thể duy trì được động lực hay không?”, Tu nói.

Chi phí có đáng “đồng tiền bát gạo” khi học trực tuyến?

Mark Kantrowitz, một chuyên gia hỗ trợ tài chính cho sinh viên, cho rằng các gia đình và sinh viên sẽ phải suy nghĩ nhiều và lo lắng về việc trả học phí đầy đủ cho các lớp học trực tuyến. “Đó là sự lựa chọn giữa sức khỏe, sự an toàn của con bạn với việc hoãn lại việc học của bạn một năm và các gia đình phải quyết định xem chi phí đó có xứng đáng hay không”.

Một số trường đã thực hiện điều chỉnh chi phí. Chẳng hạn, Đại học Princeton thông báo sẽ giảm 10% học phí trong năm nay. Còn MIT tuyên bố không tăng học phí trong năm nay, đồng thời giảm chi phí ăn uống và trợ cấp một lần cho sinh viên đại học. Trong khi đó Harvard vẫn giữ ý định tăng học phí, mặc dù trường sẽ cung cấp khoản trợ cấp 5.000 USD mỗi học kỳ cho các sinh viên nhận hỗ trợ tài chính không sống trong khuôn viên trường để bù đắp chi phí duy trì môi trường học tập tại nhà.

Ngay cả khi không có những thay đổi do đại dịch mang lại, các trường đại học vẫn phải đối mặt với sự nhạy cảm về mức học phí, Kantrowitz nói.

“Bạn có thể có được một nền giáo dục tốt tại một trường đại học công lập với chi phí chỉ bằng 1/4 của một trường đại học tư. Tuy nhiên, nhiều người vẫn nhận thức được việc theo học một trường danh giá hay một tổ chức ưu tú sẽ mang lại cho họ giá trị bổ sung”.

Nhiều sinh viên dường như đã trở nên hoài nghi.

Trong số những người sắp vào đại học, 21% đã thay đổi lựa chọn trường hàng đầu của họ vào mùa xuân này, với chi phí và địa điểm là lý do hàng đầu của họ. Về khả năng phải học trực tuyến vào mùa thu này, chỉ 23% người tin rằng họ có thể có được một nền giáo dục chất lượng theo cách đó và chỉ 19% tin rằng họ có thể xây dựng các mối quan hệ trong khi học từ xa, theo cuộc thăm dò của McKinsey về các học sinh trung học hồi tháng 5.

Trong số gần một nửa số sinh viên dự định thay đổi kế hoạch học đại học mùa thu vì virus corona, 15% cho biết họ có khả năng hoãn lại ít nhất một học kỳ, cũng theo thăm dò trên cho biết.

Mặc dù tạm nghỉ một năm có thể là một lựa chọn hấp dẫn, nhưng điều đó có thể là một rủi ro, vì có thể ảnh hưởng xấu đến việc được hỗ trợ tài chính của bạn, Kantrowitz nói.

Nếu học một năm và tham gia các lớp học tại một trường cao đẳng cộng đồng hoặc gần nhà hơn, bạn sẽ vào trường đại học với tư cách là một sinh viên chuyển trường. “Hỗ trợ tài chính cho sinh viên chuyển trường sẽ thấp hơn hàng ngàn USD so với khoản hỗ trợ dành cho sinh viên năm nhất”, ông nói.

Tham khảo CNN