Tại sao nhiều doanh nghiệp “chết lên, chết xuống” nhưng chứng khoán vẫn khoẻ?
Ông có nhận định gì về tác yếu tố tác động tới thị trường hiện nay?
Việc tiếp tục giãn cách xã hội phòng chống dịch không phải là tin bất ngờ với nhà đầu tư. Trước đây, chống dịch là thông tin quan trọng nhưng hiện nay mức độ đánh giá, quan tâm của nhà đầu tư tới điều này không mang tính tác động quá lớn tới thị trường. Thay vào đó, hàng loạt thông tin nhà đầu tư hướng tới như Fubon ETF gia tăng huy động 5 tỷ Đài tệ, tương đương 180 triệu USD hay về gói kích cầu chính phủ đưa ra sau giai đoạn giãn cách doanh nghiệp có tốc độ hồi phục nhanh.
Việc điều chỉnh thị trường tuần vừa qua là một nhịp tất yếu phải xảy ra, vì đã tăng 9-10 phiên liên tục trước đó. Trong thời điểm chống dịch như hiện tại hầu như nhiều ngành bị ảnh hưởng về mặt doanh thu, lợi nhuận. Do đó việc cổ phiếu không thể tăng liên tục mà phải có điều chỉnh là sự cần thiết.
Trước khi thị trường điều chỉnh có nhiều nhận định được công ty chứng khoán đưa ra, các nhà đầu tư với trình độ phân tích kỹ thuật thuật cao cũng đưa ra kịch bản điều chỉnh và khi thị trường điều chỉnh không quá bất ngờ với họ.
Về dòng tiền, có thể thấy dịch chuyển nhanh trong thời điểm chống dịch hiện nay, dòng tiền không tập trung nhóm cổ phiếu nào trong thời gian dài. Như nhóm cảng biển, mức độ tăng giá một nhóm không quá lớn, chỉ tăng 5-10% là dòng tiền dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu khác, liên tục như thế. Điều này đòi hỏi nhà đầu tư cần phải có sự dịch chuyển dòng tiền liên tục theo xu hướng chung mới tìm được kết quả đầu tư cao. Nhà đầu tư phải có quyết định nhanh theo sự dịch chuyển dòng tiền. Nếu không nhóm cổ phiếu vừa tăng mà họ chờ thì cổ phiếu tăng 10% mới tham gia thì sau đó lại đi ngang hoặc chỉnh thì cơ hội tìm lợi nhuận cũng không nhiều.
Theo ông thanh khoản thị trường có duy trì xu hướng tăng?
Hiện nay nhìn thẳng vào thị trường không thể có thanh khoản tăng mạnh được. Tôi cho rằng trước khi xảy ra đợt dịch lần này, nhiều nhà đầu tư lớn họ đã thoát khỏi thị trường. Khi thoát ra, không có lý do để họ tham gia lại. Bởi vì với những nhà đầu tư lớn, vĩ mô là yếu tố quan trọng, mà hiện nay nhìn cục diện vĩ mô không tốt được vì đang chống dịch. Hàng loạt thông tin ở dạng chống đỡ, không phải thông tin thể hiện xu hướng nền kinh tế rõ ràng, hầu như không có thông tin cho thấy rằng dịch sẽ chấm dứt.
Nếu là thông tin tích cực theo kiểu chống đỡ, không phải tích cực theo kiểu tăng trưởng, đi lên thì chỉ nhà đầu tư cá nhân với tình hình giãn cách xã hội họ nghiên cứu đầu tư. Còn nhà đầu tư lớn cầm dòng tiền lớn họ không tham gia thời gian này hoặc tham gia lượng tiền ít, vừa phải.
Những nhà đầu tư lớn rất muốn tham gia, nhưng phải có điều kiện. Đó là tình hình dịch bệnh khi nào chấm dứt? Rõ ràng tôi trả lời sẽ không chấm dứt, phải sống chung với lũ, với dịch này. Trên thế giới, những nước tiêm vắc xin 50- 60% vẫn bùng dịch trở lại. Chúng ta sống trong trạng thái “bình thường mới”. Vẫn chống dịch, vẫn hoạt động sản xuất kinh doanh, vẫn phải đầu tư. Khó có thể quay lại như trước, ít nhất trong thời gian từ nay tới cuối năm.
Hiện nay nếu chúng ta nhìn biểu hiện thị trường đang giao dịch ở trạng thái với thông tin quý 2, hầu như chưa phản ánh thông tin quý 3. Trong khi đó, doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” không được, lưu thông hàng hóa hạn chế, xuất khẩu ảnh hưởng, đi sâu vào sẽ thấy ảnh hưởng là lớn. Thị trường hiện tại chỉ chạy về thông tin vĩ mô nhiều hơn, chưa bộc lộ giá trị doanh nghiệp về mặt lợi nhuận quý 3. Nói thẳng tôi cho rằng quý 3 là xấu.
Do thanh khoản thị trường ở mức thấp, nên nhiều quỹ muốn rút khỏi thị trường cũng không rút được. Nếu họ rút ra thì mức độ sụt giảm rất nhanh. Cung thị trường sẵn sàng bán khá là lớn nhưng dòng tiền không đủ lớn nên cung này chờ, không bung được. Đó cũng là rủi ro của thị trường trong thời gian tới, khi thị trường tiếp tục bò lên những đỉnh mới. Nếu chúng ta không thấ dòng tiền nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) quay lại sẽ khó tạo dòng tiền lớn 25.000- 30.000 tỷ đồng/phiên giống như trước. Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng thị trường giao dịch 2 tỷ USD tôi cho rằng là khó.
Ông bình luận gì về sự lệch pha giữa chứng khoán và sức khỏe doanh nghiệp, nền kinh tế?
Chia sẻ với tôi, một số doanh nghiệp nhỏ và vừa than, tại sao doanh nghiệp “chết lên chết xuống” mà chứng khoán lại khỏe? Tại sao doanh nghiệp sắp chết mà TTCK tăng, trong khi chứng khoán là nhiệt kế nền kinh tế mà thị trường lại tăng? Tại sao ngân hàng là xương sống nền kinh tế, kinh tế khó, doanh nghiệp chết mà ngân hàng báo lãi lớn như vậy?
Tôi cho rằng ngân hàng báo lãi là nhìn trên báo cáo còn thực tế vẫn có tiềm ẩn khó khăn. Ngân hàng có lãi do có mảng nào đó kinh doanh tốt, như bảo hiểm liên kết, dịch vụ ngoại hối, hay có lương khô để dành…. Bên cạnh đó, có chính sách cho hoãn nợ, đảo hạn nợ nên nhiều cục nợ xấu chưa hạch toán.
Về vĩ mô, ngân sách bội thu chứ không bội chi, GDP tăng trưởng tuy có thấp nhưng thu từ bất động sản tốt, các ngành như chứng khoán, ngành thép, ngân hàng báo cáo lợi nhuận vượt bậc làm nhà đầu tư tin rằng doanh nghiệp niêm yết trên sàn có lợi thế với 500 doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận trên 10-20% cho thấy nếu sau dịch tốc độ tăng trưởng vẫn tốt nên nhà đầu tư nhìn thấy cơ hội dù đang chống dịch khó khăn.
Tính doanh nghiệp trên TTCK, những doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng 10 -20% trong 6 tháng, những ngành nghề đó sẽ vẫn duy trì được đà tăng dù có thể 6 tháng cuối năm không cao bằng 6 tháng đầu năm.
Thời gian gần đây, dòng tiền NĐTNN có xu hướng thay đổi cục diện khi NĐTNN tham gia mua ròng trở lại vào tháng 7/2021. Thứ hai, các CTCK bị kẹt dòng vốn khá lớn, mới đây hàng loạt CTCK tăng vốn và lên kịch bản hỗ trợ thị trường trong 6 tháng cuối năm.
Những doanh nghiệp có sức ảnh hưởng lớn tới chỉ số thì không có ảnh hưởng quá lớn về lợi nhuận 6 tháng cuối năm, tuy vẫn chịu tác động từ dịch bệnh.
Dự báo VN-Index lên 1.500 điểm là hơi lạc quan
Ông có đồng quan điểm chứng khoán hiện là kênh đầu tư hấp dẫn nhất?
Chứng khoán tự nhiên trở thành hấp dẫn khi các kênh so sánh khác kém đi không phải do bản thân hấp dẫn. Chứng khoán chỉ là trạng thái chọn lựa tốt nhất trong cái xấu nhất.
Doanh nghiệp tiền nhiều, mở rộng sản xuất kinh doanh thì không có nhân sự, hàng hóa bán không được, khách cần mua mà không đem bán được vì di chuyển khó khăn. Cuối cùng tiền gửi ngân hàng không hiệu quả, lương phải trả công nhân. Doanh nghiệp áp lực trước cổ đông thì phải phát triển và đem tiền đi đầu tư. Rót vào bất động sản thì không được, bởi dòng tiền không thể là dòng tiền chết một vài năm được, chỉ là dòng tiền nằm đó chờ cơ hội, nên chuyển đầu tư chứng khoán. TTCK hiện có cơ hội tốt hơn những cơ hội khác, dù đang trong trạng thái khó khăn nhưng khó khăn ít hơn kênh khác.
Ông có cho rằng VN-Index đủ sức để chinh phục ngưỡng 1.500 điểm?
Tôi cho rằng dự báo VN-Index lên 1.500 điểm là dự báo hơi lạc quan. Muốn biết đạt được mức này hay không thì cần nhìn lại 2 yếu tố? Phải dựa vào kết quả lợi nhuận quý 3 ra sao thì mới có thể đánh giá hết được. Sau khi chống dịch sẽ có những ngành nghề tăng trưởng nhanh hơn ngành nghề khác. Sẽ có doanh nghiệp lợi nhuận đi xuống và doanh nghiệp có lợi nhuận đi nhanh lên. Tôi không quá kỳ vọng ở 1.500 điểm, trên 1.400 điểm là phù hợp.
Quan trọng hơn đó là dòng tiền. Hiện nay P/E tính quý 2 vẫn ở khoảng 17, mức này không còn khá hấp dẫn. Chính vì đó khi sau dịch thì chúng ta thấy một trong những yếu tố tác động thị trường là thông tin lợi nhuận. Giá chứng khoán đi trước kỳ vọng nhiều khi không đúng. Một là khi nhà đầu tư kỳ vọng lại quá, do thời điểm này “mù” không có thông tin lợi nhuận, chỉ sử dụng thông tin lợi nhuận quý 2, thông tin vĩ mô kích cầu. Những thông tin đưa như vậy nhiều nhà đầu tư không lường trước được.
Xin cảm ơn ông!