‘4 cái KHÔNG’ khi làm startup: Không cứng đầu, không lan man, không ‘chơi chữ’ mà phải dùng số và không thay đổi mô hình quá sớm
KHÔNG CỨNG ĐẦU
Làm startup thì kỹ năng khác biệt duy nhất mà chúng ta phải thay đổi là problem solving – giải quyết vấn đề.
Có 2 cách ngày xưa tôi đi ‘cày’ trong doanh nghiệp hay dùng khi giải quyết 1 vấn đề cấp bách nhưng ngoài tầm với: yêu cầu thêm người hoặc nghỉ việc. Làm startup thì không thể dùng cả 2 cách đó được!
Thời mới ra trường, là một thằng kỹ thuật với cái tôi rất cao, tôi không bao giờ chịu nhận mình sai và chỉ thích nghe những lời ngon ngọt từ sếp. Tôi thấm được sự thay đổi này. Khi mình giải quyết một vấn đề mà mãi không được thì chắc chắn hoặc là vấn đề…sai, hoặc là sai cách giải.
Và khi không giải quyết được vấn đề, kết quả cũng sẽ không thể may mắn được. Kết quả không tốt thì sẽ nghe chửi. Có nhiều loại chửi, chửi thẳng từ khách hàng và nhà đầu tư hay chửi thầm trong bụng từ anh em.
Chỗ này là chỗ dễ khiến anh em shock khi chuyển từ làm công ty ra làm startup: “Khi nỗ lực hết mình, làm ngày làm đêm mà kết quả thì vẫn không thay đổi”. Thế thì ta làm sao? Gọi chuyên gia? Hay nghỉ cho đỡ nặng đầu?
Lúc này, điều đầu tiên nhất và cũng quan trọng nhất, đó là: THỞ. Thở đều, chầm chậm! Lắng nghe các câu chửi như một bài hát. Đừng giải thích!
Hãy buồn, hãy tự trách mình nhưng không nóng giận, không tự ái vì khi ta ở trạng thái tiêu cực này, ta đang trong chế độ không muốn tiếp thu gì cả. Sau đó hãy quan sát, lắng nghe thật kỹ cách người khác đưa ra những góc nhìn mới, giải pháp mới hoặc cách làm mới. Rồi thay đổi ngay!
Cuối cùng nhưng cũng rất quan trọng là: ĐO LƯỜNG để đánh giá thử nghiệm mới này.
Thực tế, khi đi triển khai giải pháp B2B cho doanh nghiệp ở thị trường Việt Nam, vấn đề lớn nhất ngay sau khi có cái gật đầu từ các Chủ tịch, CEO chính là sự hợp tác của đội ngũ in-house (đó có thể là Marketing, Sales, IT, Operations… những người thực sự xài giải pháp hằng ngày).
Nếu người bên trong không hợp tác thì team có xịn, sản phẩm có ngon cũng chỉ hứa hẹn tốn thời gian của nhau mà thôi!
Một trong những dấu hiệu cho thấy sự bất hợp tác chính là phía khách hàng không bỏ thời gian ra để chia sẻ nỗi đau, ngồi chung với nhau để chốt các điểm cần chốt. Tôi sẽ không lạm bàn cách “tìm kiếm sự hợp tác” ở đây mà chỉ tập trung vào vấn đề “thay đổi tư duy”.