Khuyến khích TCTD mở công ty tài chính, đẩy mạnh cho vay tiêu dùng
Ngày 2/12, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã tổ chức hội thảo Nhận diện tín dụng đen dưới góc nhìn pháp luật và giải pháp phát triển tín dụng khu vực nông thôn.
Phát biểu tại hội thảo, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đến 19/11/2021, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 10 triệu tỷ đồng, tăng 9,52% so với cuối năm 2020. Trong đó, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đạt trên 2,5 triệu tỷ đồng, chiếm trên 25,11% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế, tăng 10,21% so với cuối năm 2020.
Đặc biệt, các tổ chức tín dụng (TCTD) cũng đẩy mạnh cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng, toàn hệ thống có 78 TCTD tham gia cho vay với dư nợ chiếm 19,6% trong tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế.
Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng cho biết, trước tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 dẫn tới tình hình tội phạm “tín dụng đen” có chiều hướng diễn biến phức tạp do dịch bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của người lao động thời vụ, công nhân, người kinh doanh nhỏ,… Vì vậy, NHNN đã chủ động hỗ trợ người dân, doanh nghiệp qua các biện pháp giãn, hoãn nợ, giảm lãi suất.
Tính đến 22/11/2021, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng 580.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất với dư nợ gần 3,81 triệu tỷ đồng. Miễn giảm, hạ lãi suất cho khách hàng khoảng 32.600 tỷ đồng. Cho vay mới với lãi suất thấp so với trước dịch khoảng 7 triệu tỷ đồng.
Phân tích nguyên nhân tội phạm tín dụng đen hoành hành, đặc biệt tại các vùng nông thôn, bà Phạm Thị Thanh Tùng nhấn mạnh: Về phía khách hàng, việc thẩm định cho vay khó khăn, thời gian giải ngân kéo dài không đáp ứng được những nhu cầu sử dụng vốn cấp bách khiến khách hàng lựa chọn tìm tới tín dụng đen vì hình thức cho vay nhanh chóng, không cần chứng minh năng lực trả nợ, mục đích vay. Về phía các TCTD, do phải đảm bảo chất lượng nợ, an toàn vốn và an toàn hệ thống, thủ tục cho vay, xử lý nợ, rủi ro không thể giống các tổ chức tín dụng đen.
Đồng thuận với chia sẻ của Vụ Tín dụng NHNN, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, hoạt động tín dụng đen ngày càng tinh vi, không chỉ ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế mà còn dẫn tới băng hoại đạo đức, xúc phạm tới nhân phẩm con người khi các tổ chức tín dụng đen “ép” khách hàng thế chấp cả bằng hình ảnh cá nhân.
Một trong những điểm dễ nhận thấy là dân trí càng thấp thì hoạt động tín dụng đen lại càng dữ dội, nơi nào nhiều tệ nạn xã hội thì tín dụng đen hoạt động càng mạnh. Theo đó, để đẩy lùi tín dụng đen, Phó Thống đốc cho rằng cần những giải pháp căn cơ, lâu dài, tổng thể như nâng cao đời sống của người dân, không để tình trạng người dân rơi vào cảnh khó khăn, túng quẫn tới mức nhắm mắt đưa chân để vay tín dụng đen.