Kinh tế toàn cầu sẽ vẫn chịu những “vết sẹo” trong nhiều thập kỷ do Covid-19
Khi mà một số bệnh nhân đang phải chịu di chứng dài hạn kể cả sau khi hồi phục sau mắc Covid-19, ngày một rõ ràng rằng kinh tế toàn cầu cũng sẽ phải chịu tác động lâu dài như vậy một khi quá trình phục hồi chậm lại, theo nhận định của Bloomberg.
Giới chức chính phủ các nước trên thế giới đã tung ra các gói hỗ trợ quy mô đến 26 nghìn tỷ USD đồng thời cũng đã triển khai tiêm vắc xin Covid-19 với tốc độ nhanh hơn so với kỳ vọng, việc học hành bị chậm trễ, việc làm mất đi, núi nợ cao thời kỳ khủng hoảng và bất bình đẳng giữa các dân tộc ngày một lớn dần, người dân nhiều thế hệ và các vùng địa lý sẽ phải chịu những vết sẹo lâu dài. Ảnh hưởng nặng nề nhất phần lớn tại các nước nghèo nhất.
Giáo sư tại đại học University of California đồng thời là người chuyên nghiên cứu về tác động sức khỏe, kinh tế, y tế từ các cuộc khủng hoảng trước đây, ông Vellore Arthi, nhận xét: “Thường thì sau khoảng thời gian khủng hoảng, nhiều người sẽ dễ tin rằng mọi chuyện đã trở lại bình thường sau khoảng thời gian khó khăn. Tuy nhiên, thực tế quan sát cho chúng tôi thấy rằng ảnh hưởng thường kéo dài đến hàng thập kỷ và không dễ để giải quyết”.
Ví như có thể kể đến việc GDP toàn cầu trong năm ngoái suy giảm với tốc độ cao nhất tính từ thời Đại Khủng hoảng. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ước tính 255 triệu người đã mất việc làm toàn thời gian. Còn theo trung tâm nghiên cứu Pew, tầng lớp trung lưu trên thế giới suy giảm lần đầu tiên tính từ thập niên 1990.
Tuy nhiên, tác động mà mỗi nước phải chịu cũng khá khác nhau. Theo chỉ số đo lường tại 162 quốc gia trên toàn thế giới, Philippines, Peru, Colombia và Tây Ban Nha là những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ những “vết sẹo” kinh tế. Australia, Nhật, Nauy, Đức và Thụy Sỹ trong khi đó cũng chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề.
Chuyên gia kinh tế trưởng tại Ngân hàng Thế giới (WB), bà Carmen Reinhart, nhận xét: “Việc đưa nền kinh tế trở lại thời kỳ trước Covid-19 sẽ cần đến thời gian. Hậu quả của đại dịch Covid-19 sẽ không dễ để đảo ngược tại nhiều quốc gia”.
Không phải tất cả mọi nền kinh tế đều chịu ảnh hưởng giống nhau. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo nhóm nền kinh tế phát triển sẽ đỡ chịu ảnh hưởng bởi virus Covid-19, nhóm các nước thu nhập thấp và kinh tế mới nổi sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn, thực tế này khác hẳn với năm 2009 khi mà nhóm nước giàu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
GDP Mỹ vào năm sau được dự báo sẽ còn lên cao hơn ngưỡng trước Covid-19 nhờ vào hàng nghìn tỷ USD tiền kích cầu đã được bơm ra, IMF dự báo kinh tế Mỹ sẽ chịu ít tác động từ đại dịch Covid-19 hơn rất nhiều so với các nền kinh tế khác.
Ngân hàng Thế giới (WB) trong bản báo cáo vào tháng 1/2021 cảnh báo sẽ có nhiều thập kỷ kinh tế toàn cầu tăng trưởng đáng thất vọng trừ khi có những biện pháp điều chỉnh được đưa ra. IMF ước tính sản lượng toàn cầu vào năm 2205 sẽ vẫn thấp hơn 5% so với trước đại dịch Covid-19.