Trung Quốc lộ điểm yếu lớn sau đại dịch, Nga tìm thấy cơ hội tăng trưởng ngoạn mục
An ninh lương thực ở Trung Quốc
Tỷ lệ tiêu dùng ngày càng tăng và sự gián đoạn của chuỗi cung ứng toàn cầu đã khiến Trung Quốc phải hướng đến một nền kinh tế sản xuất – tiêu thụ bền vững và tìm kiếm các đối tác đáng tin cậy để nhập khẩu nông sản. Đây là cơ hội lớn để Nga mở rộng mối quan hệ thương mại với Trung Quốc, bên cạnh các lĩnh vực đã hợp tác sẵn có như xuất khẩu dầu mỏ và khí gas. Thậm chí, theo Asia Times, Nga có thể tự khẳng định vị thế là đối tác không thể thay thế trong chương trình an ninh lương thực của Trung Quốc.
Trong vài thập kỷ qua, người Trung Quốc đã thay đổi đáng kể thói quen tiêu dùng. Tiêu thụ ngũ cốc tăng hơn gấp ba lần từ 125 triệu tấn trong năm 1975 lên 420 triệu tấn vào năm 2018, trong khi đó, hiện tại trung bình một người Trung Quốc ăn 63 kg thịt mỗi năm, gấp sáu lần mức tiêu thụ thịt vào năm 1978. Với dân số đông nhất thế giới, con số này cũng đồng nghĩa với việc Trung Quốc là nước tiêu thụ thịt lớn nhất toàn cầu.
Bắc Kinh gần đây đã công bố kế hoạch tăng năng suất trong lĩnh vực nông nghiệp trị giá 1,7 nghìn tỷ USD của Trung Quốc, tuy nhiên an ninh lương thực vẫn là vấn đề đáng lo ngại. Mặc dù ngành nông nghiệp của Trung Quốc có tỉ lệ tăng trưởng cao trong quý đầu tiên của năm 2020 – ghi nhận mức tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước – nhưng nhiều dấu hiệu cho thấy vẫn còn nhiều yếu kém tồn tại trong ngành nông nghiệp nước này.
Tháng 8 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề cao vấn đề an ninh lương thực, cho rằng tình trạng lãng phí lương thực tại Trung Quốc “rất đáng lo ngại”, kêu gọi người dân nhận thức tốt hơn và khuyến khích người dân hiểu rằng “lãng phí thực phẩm là điều đáng xấu hổ”.
Đồng thời, Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cũng cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ thiếu khoảng 130 triệu tấn ngũ cốc vào cuối năm 2025. Nguyên nhân của hiện tượng này là do tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng cao và lực lượng lao động nông thôn già đi. Ví dụ, kể từ năm 1949, Trung Quốc đã mất 1/5 diện tích đất canh tác cho quá trình đô thị hóa và hiện chỉ có khoảng 10% diện tích đất phù hợp cho nông nghiệp.
Lãng phí thực phẩm và nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng cũng gây ảnh hưởng đến môi trường. Ví dụ, theo McKinsey, các trang trại chăn nuôi thải phân động vật trực tiếp đang gây ô nhiễm nghiêm trọng cho các con sông ở Trung Quốc trong khi khoảng 34% thực phẩm sản xuất tại đây bị bỏ phí.
Hiện tại, Trung Quốc nhập khẩu hơn 20% lượng thực phẩm nước này, và đại dịch COVID-19 đã cho thấy tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh lương thực.
Nỗi lo thiếu lương thực, lũ lụt nghiêm trọng và bão đổ bộ bất ngờ tại nước này đã khiến giá lương thực trung bình tăng hơn 13% trong tháng 7 và tăng 11,2% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc cũng tuyên bố mở kho 62,5 tấn gạo, 50 tấn ngô và 760.000 tấn đậu tương từ nguồn dự trữ chiến lược, nhập khẩu khối lượng thịt lớn kỷ lục cũng như tăng mạnh nhập khẩu lúa mì và đậu tương.
Có thể thấy, đại dịch đã bộc lộ những thiếu sót trong mô hình nông nghiệp của Trung Quốc và sự cần thiết phải đầu tư vào một nền kinh tế vòng tròn tập trung bền vững, đồng thời tìm cách đa dạng hóa nguồn cung cấp lương thực.
Cơ hội cho Nga
Giữa lúc mối quan hệ kinh tế Trung Quốc – Nga ngày càng được củng cố, xuất khẩu nông nghiệp của Nga bị thu hẹp do các cấm vận phương Tây, Nga có thể trở thành đối tác quan trọng của Trung Quốc. Lượng giao dịch hàng hóa Trung-Mỹ giảm sút do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại có thể tạo ra động lực lớn cho các nhà cung cấp Nga chiếm thị phần tại Trung Quốc.
Năm ngoái, Trung Quốc đã áp 25% thuế đối với đậu nành của Mỹ để phản ứng lại thuế quan của Mỹ đối với hàng loạt sản phẩm của Trung Quốc. Ít lâu sau đó, Trung Quốc nhập khẩu lúa mì và đậu nành từ gần như tất cả các vùng ở Nga.
Việc mở cửa thị trường Trung Quốc đã mang lại cơ hội cho hơn 30 công ty nông nghiệp Nga, trong đó có Tập đoàn Cherkizovo, nhà sản xuất thịt lớn nhất nước Nga. Năm 2019, tổng kim ngạch thương mại Nga-Trung đạt 110,75 tỷ USD, trong đó nông nghiệp là phân khúc tăng trưởng nhanh nhất.
Ví dụ, năm ngoái, Nga đã xuất khẩu kỷ lục 207.000 tấn gia cầm trên toàn thế giới, nhiều hơn 10% so với cùng kỳ năm trước, trong đó 62.600 tấn đã được xuất sang Trung Quốc, trị giá 143,4 triệu USD. Theo trung tâm phân tích của Bộ Nông nghiệp Nga, việc này đã khiến xuất khẩu gia cầm tăng 65% – lần đầu tiên trong lịch sử đạt tổng giá trị 329 triệu USD.
Bất chấp đại dịch, có nhiều dấu hiệu cho thấy mối quan hệ nông nghiệp Trung – Nga ngày càng được cũng cố. Tháng 8 vừa qua, Bắc Kinh đã đề xuất một “liên minh công nghiệp đậu nành” với Moscow khi nước này cố gắng củng cố các mối quan hệ kinh tế và bù đắp các mối đe dọa giảm nguồn cung từ các quốc gia phương Tây. Cũng có nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc mong muốn tăng cường nhập khẩu lúa mì, thịt lợn và gia cầm của Nga.
Nhìn chung, Trung Quốc có thể trở thành thị trường hứa hẹn nhất cho các công ty Nga. Mặc dù các nhà cung cấp Nga vẫn gặp nhiều trở ngại và ràng buộc khi tiếp cận thị trường Trung Quốc, nhưng có những dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy quan hệ nông nghiệp tiếp tục có xu hướng tăng mạnh trong những năm tới.