Tất cả những điều cần biết về đồng tiền kỹ thuật số DCEP của Trung Quốc
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) gần như đang ở những bước cuối cùng trong giai đoạn thử nghiệm trước khi đi vào sử dụng chính thức đồng nhân dân tệ kỹ thuật số có chủ quyền – Digital Currency/Electronic Payments (DCEP). Đồng tiền này sẽ được sử dụng để mô phỏng các hoạt động ngân hàng hàng ngày bao gồm thanh toán, gửi tiền và rút tiền từ các ví điện tử.
Cơ chế lưu hành và quản lý đồng DCEP như thế nào?
Đồng DCEP hoạt động trên cơ chế điều hành 2 lớp. Lớp thứ nhất, PBOC sẽ phát hành và thu hồi đồng tiền thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại. Lớp thứ hai, các ngân hàng thương mại sẽ chịu trách nhiệm cho việc phân bổ đồng DCEP đến công chúng. Một điểm đáng chú ý là đồng DCEP đại diện cho tiền trong lưu thông (M0), chứ không phải tiền gửi không kỳ hạn (M1) mà các ngân hàng thương mại thường sử dụng để cho vay lại các công ty và hộ gia đình.
Theo SCMP, người tiêu dùng và doanh nghiệp sẽ tải ví điện tử về điện thoại di động của mình và nạp tiền điện tử DCEP từ tài khoản của họ tại các ngân hàng. Sau đó, họ có thể sử dụng DCEP để thanh toán hoặc nhận tiền từ bất kỳ ai có ví điện tử, giống như việc sử dụng tiền mặt thông thường. Tiền từ tài khoản ngân hàng liên kết sẽ được chuyển đổi thành tiền kỹ thuật số trên cơ sở một đổi một.
Không giống như các nền tảng thanh toán trực tuyến khác đã được sử dụng phổ biến ở Trung Quốc, bao gồm cả Alipay của Ant Financial và WeChat Pay của Tencent, hệ thống DCEP hỗ trợ các giao dịch thanh toán ngay cả khi không có kết nối internet. Chức năng “chạm” cho phép hai người dùng chỉ cần chạm điện thoại vào nhau là đã có thể thực hiện giao dịch chuyển tiền.
Tại sao Trung Quốc muốn có đồng tiền kỹ thuật số của riêng mình?
Phiên bản đồng tiền kỹ thuật số có chủ quyền của Trung Quốc được thiết lập để “cách mạng hóa” khả năng của các cơ quan quản lý trong việc giám sát kỹ lưỡng hệ thống tài chính và thanh toán của quốc gia vì các quan chức sẽ có được nhiều quyền lực hơn để theo dõi cách sử dụng tiền của công dân.
Xu Yuan, một nhà nghiên cứu cao cấp của Trung tâm nghiên cứu tài chính kỹ thuật số của Đại học Bắc Kinh cho biết, khi mọi hoạt động kinh doanh và tài chính được giao dịch trực tuyến, cấu trúc tín dụng của toàn xã hội trở nên dễ xác định hơn. Theo đó, thông tin dòng tiền và dữ liệu tín dụng được lưu trữ trên cơ sở dữ liệu có thể được truy xuất bất cứ lúc nào, đóng vai trò quan trọng trong việc lưu giữ hồ sơ kỹ thuật số và giám sát đối với các công dân đã thực hiện hành vi rửa tiền, trốn thuế hoặc các hành vi phạm tội khác có liên quan.
Đại dịch Covid-19 cũng có thể là chất xúc tác để tăng tốc việc thanh toán không dùng tiền mặt vì lo ngại tiền giấy có thể khiến virus Covid-19 lây lan. Nhận thức về các tiêu chuẩn vệ sinh và chi phí liên quan đến việc phát hành tiền giấy cũng có thể được cải thiện khi áp dụng các loại tiền kỹ thuật số.
Sự ra mắt tiền kỹ thuật số của Trung Quốc cũng phù hợp với chính sách của nước này trong mục tiêu quốc tế hóa đồng nhân dân tệ và cải thiện tình trạng tiền dự trữ nếu đồng DCEP được sử dụng trong các hoạt động thanh toán xuyên biên giới. So với tiền giấy, nhân dân tệ kỹ thuật số cũng sẽ giảm chi phí giao dịch cho các doanh nghiệp và người dân ở các quốc gia khác.
Trung Quốc đã lên kế hoạch cho đồng tiền kỹ thuật số có chủ quyền từ khi nào?
PBOC bắt đầu đưa ra khái niệm về một loại tiền kỹ thuật số của quốc gia vào năm 2014 trước sự thành công của các nền tảng thương mại điện tử là Alibaba, Tencent và Yahoo. Năm 2019, giao dịch qua điện thoại di động đạt 347 nghìn tỷ nhân dân tệ (49 nghìn tỷ USD), với cứ mỗi 5 giao dịch thì có đến 4 giao dịch được thực hiện qua điện thoại di động.
Viện nghiên cứu tiền tệ kỹ thuật số của PBOC, phụ trách phát triển và thử nghiệm tiền kỹ thuật số, được thành lập vào năm 2017, cũng đã mời các ngân hàng thương mại nhà nước lớn và các tổ chức có ảnh hưởng khác để hỗ trợ trong việc thiết kế hệ thống DCEP.
Đồng DCEP của Trung Quốc khác gì với những loại tiền điện tử như Bitcoin?
Theo Shanghai Securities News, tháng 12/2019, ông Mu Changchun, người đứng đầu Viện nghiên cứu tiền tệ kỹ thuật số của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, cho biết đây sẽ là một dạng “kỹ thuật số” của đồng Nhân dân tệ nên sẽ không có sự đầu cơ nào trên giá trị của nó và đồng tiền ảo này sẽ không cần sự hỗ trợ của rổ tiền tệ. Điều này tạo nên sự khác biệt giữa đồng DCEP so với Bitcoin và các loại tiền ảo khác.
Hơn nữa, đồng DCEP được quản lý riêng bởi PBOC theo một hệ thống tập trung, hoàn toàn trái ngược với hầu hết các hình thức tiền điện tử khác, chẳng hạn như Bitcoin, hoạt động dưới một mạng máy tính công cộng, phi tập trung dựa trên nền tảng blockchain hoặc công nghệ sổ cái phân tán, tồn tại ngoài tầm kiểm soát của cơ quan trung ương.
Hệ thống DCEP không sử dụng công nghệ blockchain, tăng cường sự hiện diện của PBOC trong hệ thống tài chính và nguy cơ can thiệp chính trị. Về mặt lý thuyết, quyền lực lớn hơn được trao cho PBOC bởi DCEP sẽ cho phép ngân hàng trung ương có quyền kiểm soát nhiều hơn đối với tổng khối lượng cung tiền trong nền kinh tế.
Mặc dù vậy, DCEP hoạt động thông qua một hệ điều hành hai lớp. PBOC phát hành DCEP cho các ngân hàng thương mại mà không sử dụng blockchain, nhưng các ngân hàng và các cơ quan khác được phép sử dụng công nghệ để phân phối đồng DCEP cho người dân. Theo các nhà phân tích, điều này sẽ khiến cho các thông tin về hoạt động kinh doanh được tạo ra nhiều hơn, giúp PBOC duy trì sự ổn định của giá trị đồng nhân dân tệ và điều chỉnh chu kỳ bùng nổ và phá sản của hoạt động kinh tế hiệu quả hơn, giảm thiểu rủi ro bong bóng tín dụng trong hệ thống tài chính.
Khi nào đồng DCEP được đưa vào sử dụng rộng rãi?
Hiện tại, Trung Quốc vẫn chưa công bố thời điểm chính thức ra mắt đồng DCEP, nhưng nhiều suy đoán cho rằng đồng tiền này sẽ được cung cấp cho công chúng trong năm 2020.
Những hình ảnh đầu tiên về đồng tiền kỹ thuật số của Trung Quốc xuất hiện vào giữa tháng 4 năm nay khi ảnh chụp màn hình của phiên bản thử nghiệm do Ngân hàng Nông nghiệp nước này phát triển bị rò rỉ trên mạng xã hội.
Các thử nghiệm thanh toán bằng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số cũng đã bắt đầu thực hiện từ đầu tháng 5/2020 tại bốn thành phố bao gồm Thâm Quyến, Tô Châu, Thành Đô và tân khu Hùng An – nơi Trung Quốc hướng đến phát triển thành “thành phố thông minh”, sau đó sẽ được mở rộng thành các chương trình thí điểm tại các địa điểm cho Thế vận hội mùa đông 2022 ở Bắc Kinh và Hà Bắc.
Trước mắt, đồng DCEP sẽ được dùng để thanh toán cho các phương tiện giao thông công cộng, hoạt động mua sắm thực phẩm và một số hoạt động bán lẻ khác. Ngoài ra, các thành viên của Đảng Cộng sản cũng sẽ được phép trả phí thành viên bằng nhân dân tệ kỹ thuật số với một ngân hàng nhà nước được chỉ định. Tại Tô Châu, đồng nhân dân tệ kỹ thuật số được sử dụng để trả một nửa trợ cấp đi lại cho công chức.
Đồng DCEP đem lại những gì?
Citic Securities ước tính quy mô của đồng DCEP có thể đạt 1 nghìn tỷ nhân dân tệ (140 tỷ USD) trong những năm tới, tương đương với việc số hóa khoảng một phần tám lượng tiền mặt đang lưu thông trong nền kinh tế nước này. Trong khi đó, tổng vốn hóa thị trường của tiền điện tử, bao gồm cả Bitcoin, là khoảng 200 tỷ USD.
Xu Yuan, một nhà nghiên cứu cao cấp của Trung tâm nghiên cứu tài chính kỹ thuật số của Đại học Bắc Kinh cho biết sau khi hoàn thành thử nghiệm nội bộ, đồng nhân dân tệ kỹ thuật số có thể dần được mở rộng để thanh toán tiền lương nhân viên tại các cơ quan chính phủ lớn, các tổ chức hành chính và cả các doanh nghiệp nhà nước. Trong tương lai, người dùng có thể được cung cấp tùy chọn sử dụng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số để thực hiện gửi tiền lãi và đầu tư vào các sản phẩm quản lý tài sản.
Ông Xu Yuan nói thêm rằng khi Trung Quốc trở thành một xã hội không tiền mặt, nhu cầu về máy ATM trong tương lai cũng sẽ không còn nữa, và toàn bộ các hoạt động tài chính và kinh doanh sẽ trải qua những thay đổi lớn. Những người trẻ tuổi, quen thuộc hơn với việc sử dụng các thiết bị di động, cũng được dự đoán sẽ dẫn đầu trong việc sử dụng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số.
Trong khi đó, Nouriel Roubini, giáo sư kinh tế tại Trường Kinh doanh Stern của Đại học New York thì bày tỏ lo ngại rằng đồng tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành có thể sẽ phá vỡ hệ thống kinh doanh ngân hàng truyền thống hiện nay là sử dụng tiền gửi để mở rộng các khoản vay. Bởi lẽ các cá nhân và doanh nghiệp nếu sử dụng ngày càng nhiều ví kỹ thuật số của ngân hàng trung ương để thanh toán thì sẽ ít phát sinh giao dịch với các ngân hàng thương mại, có thể dẫn đến sự biến mất của các khoản tiền gửi, và do đó làm giảm khả năng cho vay của các ngân hàng thương mại.
Tham khảo: South China Morning Post