Mỹ sẽ bị ‘phản đòn’ vì chiến dịch tấn công Huawei
LTS: Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Paul Scanlan, Giám đốc công nghệ Huawei.
Chính quyền Tổng thống Trump đã khuếch trương chiến dịch gây tổn hại các công ty công nghệ Trung Quốc, mở rộng mục tiêu từ Huawei và 5G sang ứng dụng mạng xã hội như TikTok, WeChat. Rõ ràng, nó được thiết kế để phân tán sự chú ý khỏi các vấn đề cấp bách trong nước và gây khó dễ cho các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc để đổi lấy lợi ích thương mại của đối thủ Mỹ.
Trong bài xã luận đăng trên CNBC tuần trước, Thượng nghị sỹ Marco Rubio kêu gọi Mỹ và đồng minh tìm kiếm người thay thế Huawei để phát triển mạng 5G . Chiến lược “lầm đường lạc lối” tuyệt vọng này đã được trù định sẽ phản tác dụng.
Đầu tiên, nó sẽ phá hủy sự thống trị của Mỹ trong ngành bán dẫn toàn cầu. Các nhà sản xuất thiết bị chip của Mỹ hiện xuất khẩu 90% sản lượng sang Đông Á, bao gồm Trung Quốc. Nó cũng khước từ cơ hội bán phần cứng, phần mềm và ứng dụng của doanh nghiệp Mỹ: chỉ riêng năm 2019, Huawei đã chi 18,7 tỷ USD mua linh kiện từ Mỹ. Hàng chục ngàn việc làm tại Mỹ có nguy cơ tiêu tan vì các các hành động chống lại Mỹ tại thời điểm tỉ lệ thất nghiệp tăng mạnh.
Chặt đứt nguồn cung công nghệ Mỹ của Huawei có thể ảnh hưởng đến công ty trong ngắn hạn. Tuy nhiên, về lâu dài, nó sẽ đẩy Huawei và các công ty khác có trụ sở tại Trung Quốc tiến tới trạng thái tự lập lớn hơn, theo báo cáo gần đây của tổ chức CSIS.
Nghiên cứu của Boston Consulting Group chỉ ra: trong dài hạn, doanh thu của các nhà sản xuất chip Mỹ sẽ bị giảm 37% và thị phần giảm còn 30% do phân cực, trong khi thị phần của các nhà sản xuất chip Trung Quốc lại tăng lên.
Quan trọng nhất, chiến dịch chống công nghệ Trung Quốc của chính phủ Mỹ có thể ngăn nước này đạt mục tiêu chính: thiết lập vị trí dẫn đầu trên lĩnh vực 5G và dựa vào vị trí đó trong tương lai.
Cơ hội để đạt được mục tiêu ấy đã được trình lên chính phủ Mỹ vào năm ngoái, khi nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi đề nghị cấp phép sử dụng công nghệ 5G của hãng cho một hoặc nhiều công ty Mỹ. Những người nắm giữ giấy phép có thể tiếp cận toàn bộ danh mục bằng sáng chế 5G của Huawei, trong đó có mã nguồn phần mềm, thiết kế phần cứng, công nghệ liên quan tới sản xuất, kế hoạch mạng lưới, thử nghiệm. Họ cũng có thể sản xuất và vận hành mạng 5G mà không phải lo ngại tới bảo mật; chính phủ Mỹ có quyền chỉ định bất kỳ công ty Mỹ nào sẵn sàng đón nhận thử thách.
Tất nhiên, chính quyền Mỹ có lựa chọn khác. Họ có thể mua lại cổ phần trong một hoặc hai đối thủ chính của Huawei trên thị trường thiết bị mạng là Ericsson hoặc Nokia như gợi ý của Bộ trưởng Tư pháp William Barr. Họ cũng có thể quốc hữu hóa mạng 5G của Mỹ như đề nghị của các quan chức an ninh quốc gia năm 2018. Đề nghị của Huawei ít can thiệp hơn song có cùng mức độ linh hoạt, bảo mật và trách nhiệm.
Nỗ lực phát triển 5G của Mỹ hiện nay phụ thuộc gần như hoàn toàn vào hai nhà sản xuất Ericsson và Nokia, do các công ty Mỹ từng thống trị thị trường thiết bị viễn thông đã rút lui. Danh mục bằng sáng chế Huawei sẽ cải thiện việc triển khai 5G ở Mỹ và nhanh chóng đưa Mỹ đến vị trí dẫn đầu 5G. Tăng tốc kết nối 5G cho phép các ngành công nghiệp Mỹ tận dụng tối đa năng lực chuyển đổi mà 5G và trí tuệ nhân tạo mang lại. Nó sẽ tạo ra thúc đẩy kinh tế cần thiết hậu dịch bệnh.
Có lẽ, điều quan trọng hơn, 5G được ứng dụng nhanh chóng sẽ đóng vai trò như “vườn ươm” cho các công nghệ không dây thế hệ tiếp theo: 6G được dự đoán thương mại hóa vào năm 2030.
Đối với ngành viễn thông Mỹ, đề nghị của Huawei đại diện cho cơ hội chuyển đổi tiềm năng và là “lối tắt” khả thi mang tính kinh tế đến mạng 5G phổ quát, làm lợi cho người dùng, doanh nghiệp và ngành công nghiệp Mỹ. Hơn cả, nó là nỗ lực gần như cuối cùng nhằm cứu vãn đổi mới toàn cầu trước khi nó bị chủ nghĩa cô lập đè bẹp, chấm dứt vai trò lãnh đạo công nghệ của Mỹ một lần và mãi mãi.