Những ngân hàng nào lớn nhất toàn cầu năm 2021?
Theo Bảng xếp hạng 2.000 công ty lớn nhất thế giới về doanh thu, lợi nhuận, tài sản và giá trị niêm yết trên thị trường chứng khoán năm 2021 (Global 2000) do Tạp chí Forbes công bố mới đây, các ngân hàng lớn của Mỹ và Trung Quốc tiếp tục thống trị những vị trí top đầu trong danh sách các công ty đại chúng lớn nhất thế giới.
Trong đó, Ngân hàng Công thương Trung Quốc vẫn duy trì vị trí dẫn đầu trong năm thứ chín liên tiếp với tổng tài sản lên tới hơn 4,9 nghìn tỷ USD.
JPMorgan Chase, ngân hàng lớn nhất của Mỹ, đứng vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng, tăng một bậc so với năm 2020. Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, Ngân hàng Mỹ (Bank of America) và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc cũng nằm trong top 10 năm nay.
Ngoài Mỹ và Trung Quốc, BNP Paribas của Pháp là ngân hàng lớn nhất châu Âu và đứng ở vị trí thứ 30 trong danh sách Global 2000, tăng 12 bậc so với năm 2020. Các quốc gia khác có ngân hàng trong top 100 bao gồm RBC của Canada và HSBC của vương quốc Anh. Ngân hàng lớn nhất của Nga, Sberbank Russia, đã có bước nhảy vọt từ vị trí 402 năm ngoái lên vị trí 51 trong năm nay. Tập đoàn tài chính Mitsubishi là ngân hàng Nhật Bản lớn nhất, xếp ở vị trí 52. Tổng cộng, có 289 ngân hàng có tên trong danh sách Global 2000 năm 2021.
Trong những tháng gần đây, hoạt động ngân hàng tại Mỹ và Trung Quốc đã diễn ra mạnh mẽ khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này dần phục hồi sau đại dịch. Nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 18,3% trong quý đầu tiên của năm 2021, trong khi Mỹ đang ghi nhận tỷ lệ tiêm chủng tăng cao và chính phủ liên bang liên tiếp tung ra những khoản kích thích tài chính khổng lồ.
Khi đại dịch bắt đầu vào năm ngoái, chẳng có điều gì chắc chắn rằng liệu các ngân hàng lớn trên toàn cầu có vượt qua được cuộc khủng hoảng này hay không. Với việc đóng cửa các nền kinh tế, các ngân hàng và hệ thống tài chính toàn cầu đã phải đối mặt với thử thách khó khăn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Eric Compton, nhà phân tích cổ phiếu cấp cao tại Morningstar cho biết: “Đại dịch đã dần được kiểm soát, tổn thất tín dụng chưa đến mức tồi tệ và hơn hết là sự hỗ trợ kịp thời của chính phủ các nước đã giúp ổn định hệ thống tài chính toàn cầu”.
James Shanahan, nhà phân tích – nghiên cứu cổ phiếu cấp cao tại Edward Jones, lưu ý rằng quản lý tài sản và thị trường vốn là những mảng kinh doanh mạnh nhất của các ngân hàng lớn. Ông cho biết, trong quý II năm 2020, các ngân hàng được hưởng lợi đáng kể từ khoản cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và việc phát hành cổ phiếu tạo ra nhiều thu nhập từ phí. Thu nhập ngoài lãi tăng cao đã giúp nhiều ngân hàng quản lý tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức phù hợp, số dư nợ và áp lực tổng thể lên biên lãi ròng giảm.
“Các ngân hàng hoạt động đặc biệt tốt trong thời kỳ đại dịch là JPMorgan, Morgan Stanley và Bank of America. Các ngân hàng này có thị trường vốn đáng kể và đang hưởng lợi lớn từ các hoạt động ngân hàng đầu tư và kinh doanh chứng khoán, bao gồm cả bảo lãnh nợ và cổ phiếu”, Shanahan nói.
Với sự tăng trưởng mạnh ngay cả trong thời kỳ đại dịch, cổ phiếu của các ngân hàng liên tiếp lập đỉnh. Chẳng hạn như JPMorgan, giá cổ phiếu của ngân hàng này đã tăng gần gấp đôi lên 160 USD/cổ phiếu kể từ khi chạm mức thấp nhất là 83,5 USD khoảng một năm trước trong làn sóng bán tháo của toàn thị trường khi Covid-19 “ập đến”.
Tham khảo: Forbes