Những chuyển biến ngoạn mục của hạ tầng Đông Anh

Những chuyển biến ngoạn mục của hạ tầng Đông Anh

Hạ tầng giao thông “lột xác”

Đầu năm 2021, Thường trực Thành ủy Hà Nội giao UBND Thành phố chỉ đạo các sở, ngành có liên quan phối hợp và hướng dẫn huyện Đông Anh đẩy nhanh các đề án đầu tư để trở thành quận trước năm 2025. Cũng theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, Đông Anh sẽ trở thành đô thị trung tâm, một quận của thủ đô – một thành phố thông minh bên bờ Bắc sông Hồng. Hệ thống hạ tầng tại Đông Anh đang vươn mình mạnh mẽ cho những đích đến lớn lao đó. Không khó để nhận ra đây là khu vực có sự phát triển hạ tầng giao thông toàn diện và vượt bậc thời gian qua.

Với vị trí đắc địa, đóng vai trò cửa ngõ giao thông Hà Nội, những năm qua, Đông Anh đã hình thành hàng loạt tuyến giao thông huyết mạch kết nối thông suốt với các tỉnh phía Bắc, vùng Đông Bắc và khu vực trung tâm thủ đô như đường cao tốc Thăng Long – Nội Bài (đường Võ Văn Kiệt), đường cao tốc Nhật Tân – Nội Bài (đường Võ Nguyên Giáp), Quốc lộ 5 kéo dài gồm đường Trường Sa và đường Hoàng Sa, Quốc lộ 3, Quốc lộ 3 mới (đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên), đường 23B, Quốc lộ 23A…

Được bao bọc bởi sông Cà Lồ và sông Hồng, Đông Anh đã hiện hữu 3 cây cầu kết nối sang trung tâm Hà Nội là cầu Thăng Long, cầu Nhật Tân và cầu Đông Trù. Trong tương lai gần, Hà Nội sẽ xây thêm cầu Tứ Liên, kết nối giao thông từ lõi thủ đô tới vùng phát triển mới tại phía Bắc. Được biết, dự án cầu Tứ Liên nối hồ Tây với khu Đông Hội, Xuân Canh (Đông Anh) có tổng vốn đầu tư lên tới 17.000 tỷ đồng.

Cùng với đó, tuyến đường nối cầu Tứ Liên đến Quốc lộ 3 mới; tuyến đường Vành đai 3 đoạn từ nút giao với Quốc lộ 3 mới đến nút giao đường Võ Văn Kiệt và đoạn kéo dài đến đường Vành đai 4, đường 23B mở rộng, đường quy hoạch 41m cũng sẽ được triển khai. Ngoài ra, dự kiến đến năm 2030, thành phố Hà Nội sẽ thi công 9 tuyến đường sắt trên cao, trong đó có tuyến đường sắt trên cao số 4: Mê Linh – Đông Anh – Sài Đồng – Vĩnh Tuy – Thượng Đình – đường vành đai 2,5 – Cổ Nhuế – Liên Hà (chiều dài 54 km) đi ngầm và Tuyến đường sắt đô thị số 5: Cổ Loa – An Khánh đi qua địa phận Đông Anh. Có thể nói hệ thống giao thông đang được thúc đẩy toàn diện nhằm tạo động lực để Đông Anh bứt phá nhanh hơn, mạnh hơn.

Đáng chú ý, trục Nhật Tân – Nội Bài ở Đông Anh được coi là mũi tên phát triển đặc biệt quan trọng ở phía Đông – Bắc Hà Nội. Theo quy hoạch được công bố, tổng diện tích lập Quy hoạch chi tiết xây dựng hai bên tuyến đường Nhật Tân – Nội Bài là 2.080 ha, gồm 4 đoạn chính với tổng chiều dài khoảng 11,7 km. Đây sẽ là dự án đô thị quy mô lớn của Hà Nội từ nay đến 2030.

Hàng loạt công trình giao thông lớn được hoàn thiện, đi vào vận hành trở thành những “cánh tay” nối dài, kết nối Đông Anh với các địa phương khác trong cả nước, mở rộng “cánh cửa” mời gọi doanh nghiệp, nhà đầu tư. Không khó hiểu khi kinh tế Đông Anh liên tục khởi sắc. Giá trị sản xuất các ngành kinh tế giai đoạn 2015-2020 ước đạt 156.075 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 10,2%/ năm, vượt 1,7% so với chỉ tiêu đề ra (8,5%) và cao hơn mức tăng trưởng bình quân của thành phố (7,37%). Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp bình quân đạt 111.920 tỷ đồng/năm, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 10% năm (chỉ tiêu đề ra là 8,35%); giá trị sản xuất thương mại – dịch vụ bình quân đạt 9.705 tỷ đồng/năm, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 15,2% (tăng 2,2% so với chỉ tiêu đề ra).

Bất động sản Đông Anh hưởng lợi từ hạ tầng

Đi cùng với sự phát triển vượt bậc của hạ tầng giao thông và sư khởi sắc của kinh tế xã hội, thị trường bất động sản Đông Anh cũng trên đà cất cánh. Những tên tuổi hàng đầu của làng địa ốc như Vingroup, Sungroup, BRG, Vimefulland, Becamex ITC… đã đổ hàng nghìn tỷ đồng vào Đông Anh với các công trình quy mô lớn. Sự xuất hiện của các ông lớn tiếp tục tạo nên sự kích thích giá trị bất động sản và cộng hưởng vào quá trình hoàn thiện hệ thống hạ tầng khu vực. Thị trường bất động sản Đông Anh trở thành điểm nóng của Hà Nội những năm qua.

Những chuyển biến ngoạn mục của hạ tầng Đông Anh - Ảnh 1.