Công nghệ thay đổi chóng mặt, mức độ sẵn sàng về kỹ năng số của người Việt đang đến đâu?
Theo Chỉ số Đổi mới sáng tạo Toàn cầu (GII) năm 2020, Việt Nam duy trì vị trí thứ 42 trong hai năm liên tiếp. Việt Nam đã có sự cải thiện trong hạng mục Hiểu biết kinh doanh (hạng 39) và tụt hạng trong các chỉ số liên quan đến Nguồn nhân lực và Nghiên cứu phát triển (hạng 79), Đầu ra về kiến thức và công nghệ (hạng 37).
Mặc dù Việt Nam đã nhấn mạnh trọng tâm vào cải cách chính sách Công nghiệp 4.0, nhưng về kỹ năng kỹ thuật số của lực lượng lao động, Việt Nam đã tụt 4 bậc xuống vị trí thứ 96 trong Chỉ số Năng lực Cạnh tranh Nhân tài Toàn cầu năm 2020 (GTCI).
Việt Nam đã đạt được bước tiến lớn trong việc thúc đẩy chuyển đối số trong cuộc cách mạng 4.0, tuy nhiên, phía trước vẫn còn nhiều điều phải làm.
Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng Giám đốc PwC Việt Nam cho rằng, “Khi nói đến chuyển đối số, mọi người thường nhắc nhiều đến công nghệ, về đầu tư như thế nào. Song ở một khía cạnh khác cũng rất quan trọng đó là yếu tố con người, kỹ năng số của lực lượng lao động”. Bà cho rằng, đây là yếu tố tiên quyết quyết định mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của một đất nước.
Báo cáo mức độ sẵn sàng kỹ năng số Việt Nam vừa được PwC công bố đã chỉ ra nhiều điểm thú vị về mức độ tiếp nhận kỹ năng số của nhân lực đất nước.
Theo kết quả khảo sát của PwC, 83% người Việt Nam tham gia khảo sát cho rằng công việc của họ sẽ thay đổi trong vòng 3-5 năm tới, và tỷ lệ này cao hơn, ở mức 90% người được hỏi khi xét về trung hạn (6-10 năm).
Nhận thức về thay đổi mà công nghệ mang lại cũng song hành với sự lạc quan, khi 90% người được hỏi tin rằng sự phát triển của công nghệ sẽ cải thiện triển vọng việc làm của họ trong tương lai. Chỉ số này cao hơn nhiều so với con số 60% ghi nhận được ở cấp đọ toàn cầu trong một khảo sát tương tự về “Nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực” toàn cầu được PwC thực hiện năm 2019.
Báo cáo cũng ghi nhận 45% người Việt tham gia khảo sát bày tỏ lo ngại về vấn đề đảm bảo việc làm do tự động hóa.