Bị chỉ trích có hành vi thao túng thị trường, tại sao nhóm nhà đầu tư Reddit vẫn ‘bình yên vô sự’ trước khả năng bị truy tố?
Hôm thứ Sáu tuần trước, Uỷ ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) đã thông báo rằng họ đang cân nhắc về điều gì đang diễn ra, khi nhóm người dùng trên Reddit khiến cổ phiếu của một số công ty tăng đột biến. Tuy nhiên, trong khi các nhà đầu tư nhỏ lẻ đã thành công trong việc chèn ép các nhà đầu tư tổ chức, giới chuyên gia lại không cho rằng hành động của họ được coi là thao túng thị trường.
Joseph Grundfest – giáo sư tại Stanford và cựu ủy viên của SEC, nhận định: “Nếu ai đó đăng lên một ‘subreddit’ rằng họ đang hứng khởi và đang mua cổ phiếu của 1 công ty trong khi thực ra họ đang bán, thì đó là vi phạm quy định.” Ông nói thêm: “Nhưng nếu trong tất cả dòng tweet và bài đăng không có nội dung xuyên tạc, thì bạn có thể thấy rằng không có hành vi vi phạm pháp luật nào ở đây.”
Sự điên cuồng diễn ra vào tuần trước đã khiến các nhà quản lý đối mặt với thách thức bất thường. Trong khi tình trạng đầu cơ đổ xô vào các cổ phiếu đã từng diễn ra, nhưng hiếm khi các nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể mua với số lượng lớn, đến mức khiến các nhà đầu tư tổ chức đặt cược ngược lại lỗ nặng đến vậy.
Các nhà đầu tư nhỏ lẻ đã thảo luận về việc làm thế nào, nếu họ mua đủ số lượng, họ có thể buộc nhóm bán khống mua cổ phiếu để giảm khoản lỗ, từ đó thúc đẩy thêm đà tăng. Các trader liên tục “truyền tai” nhau về phòng trò chuyện trên Reddit.
Các nhà quản lý lo ngại rằng động thái này đã tạo ra một quả bong bóng có khả năng vỡ tung, gây thiệt hại nặng nề cho một số nhà đầu tư nhỏ lẻ. Allison Herren Lee – chủ tịch SEC, cho biết hôm thứ Sáu: “Biến động giá hiện tại quá mạnh, có khả năng khiến nhà đầu tư thua lỗ nhanh chóng và nghiêm trọng, đồng thời làm suy giảm niềm tin của thị trường.”
Tuy nhiên, nếu SEC muốn thực hiện hành động chống lại những người tham gia thị trường, các chuyên gia pháp lý cho rằng họ sẽ gặp một trường hợp khó có bằng chứng. Đạo luật Sàn giao dịch Chứng khoán năm 1934 quy định việc “sử dụng bất kỳ thiết bị thao túng hoặc liên quan nào” trong việc mua/bán cổ phiếu đều là bất hợp pháp.
Todd Henderson – giáo sư ngành luật tại Đại học Chicago, cho biết: “Thao túng giống như những gì luật sự của Tòa Án Tối cao Potter Steward nói về hành vi tục tĩu. Bạn có bằng chứng khi bạn thấy nó.”
Thông thường, các cơ quan quản lý giải thích hành vi thao túng có liên quan đến việc lừa đảo: ví dụ như khai khống về hoạt động của công ty, chủ sở hữu thực sự của công ty hay ý kiến thực của một trader về công ty đó. Trong khi người dùng Reddit đã “phối hợp” để giúp cổ phiếu của các công ty bị đánh giá thấp tăng giá, thì hiện vẫn chưa rõ liệu họ có lừa đảo đối tượng nào khi làm như vậy hay không.
John Coffee – giáo sư tại Trường Luật Columbia và cự cố vấn pháp lý của NYSE, cho biết: “Nếu bạn đang nói với mọi người rằng mua cổ phiếu của 1 công ty với ý đồ xấu, đó là sự thao túng. Nhưng những người này họ tin vào thực tế, việc đưa ra tuyên bố lạc quan một cách ngông cuồng cũng không phải là bất hợp pháp.”
Trong khi đó, SEC hiếm khi cáo buộc các trường hợp thao túng, chỉ chiếm 5% trong các động thái được thực thi năm 2019-2020 và hầu như đều là các trường hợp không bị cáo buộc lừa đảo.
Ví dụ, năm 2001, Jonanthan Lebed – thiếu niên sống tại New Jersey, đã kiếm hàng trăm nghìn USD khi mua cổ phiếu của các công ty có khối lượng giao dịch rất thấp và “thổi giá” trên mạng. Sau đó, SEC đã cáo buộc Lebed có hành vi lừa đảo, khi người này tạo hàng chục bí danh trên mạng để ngụy tạo về sự chú ý với những cổ phiếu này.
Ngay cả khi các cơ quan quản lý quyết định rằng hành vi thao túng xảy ra vào tuần trước, thì nhiều chuyên gia cho rằng họ có thể sẽ không đưa ra hành động chống lại các day trader.
Tuy nhiên, SEC không chỉ xem xét các trader đã mua cổ phiếu vào tuần trước, họ cũng đang cân nhắc cả các công ty môi giới đã “kích hoạt” những giao dịch này khi áp đặt hạn chế tạm thời khiến giá cổ phiếu rơi đột ngột.
Tham khảo Financial Times