Vốn hóa Uniqlo tụt ngày càng xa so với Zara khi bất lợi về tiến trình triển khai vắc xin tại châu Á
Vốn hóa thị trường của công ty mẹ của Uniqlo, Fast Retailing hiện khoảng 79,4 tỷ USD, kém xa so với mức 121 tỷ USD của Inditex, công ty mẹ của Zara.
Hồi tháng 2, Fast Retailing đã vượt qua Inditex để trở thành công ty thời trang giá trị nhất thế giới. Công ty Nhật Bản đã thể hiện sức mạnh của mình tại các thị trường châu Á, thời điểm đó tích cực hơn so với một số quốc gia phương Tây trong đại dịch. Nhưng sau đó, việc triển khai vắc xin tại các thị trường lớn đã thay đổi tình hình.
Theo phân tích của Nikkei và Financial Times, tỷ lệ tiêm chủng trên 100 người đạt mức 103 liều ở Anh. Các nước phương Tây khác cũng tương tự, 91 liều/100 người ở Mỹ, 66 liều/100 người ở Úc. Tuy nhiên tại châu Á, Hàn Quốc chỉ với 20 liều/100 người. Tiếp theo là Nhật Bản, 14 liều/100 người, con số tại Malaysia là 11 liều.
Fast Retailing vẫn giữ vững vị thế của mình tại thị trường trọng điểm Trung Quốc, nơi đã sớm kiểm soát dịch bệnh mở ra cơ hội phục hồi kinh tế. Nhưng Đông Nam Á lại là câu chuyện khác. Tại Malaysia, Uniqlo đã tạm thời đóng cửa tất cả 49 cửa hàng do dịch bệnh bùng phát. Tại Việt Nam, 5/8 cửa hàng phải tạm dừng hoạt động.
Fast Retailing cũng đang gặp khó khăn với thị trường Nhật Bản. Trong tháng 5, doanh số trên cửa hàng đã giảm 0,6% so với trước đó một năm. Đây là mức tăng trưởng âm lần đầu tiên trong 12 tháng. So sánh với tháng 5/2019, thời điểm trước đại dịch, doanh số bán hàng trên cửa hàng giảm 18,6%.
Trong bối cảnh dịch bệnh dai dẳng ở châu Á và thị trường nội địa chậm lại, cổ phiếu Fast Retailing đang trong xu hướng giảm giá, hiện đang ở mức thấp nhất kể từ đầu năm.
Dairo Murata của JPMorgan Securities Japan cho biết: “Fast Retailing phát triển mạnh mảng quần áo mặc trong nhà và quần áo mặc bình thường, điều này mang lại làm gió thuận lợi trong bối cảnh đại dịch. Nhưng sự dịch chuyển của toàn cầu theo hướng mở cửa nền kinh tế đã phục hồi nhu cầu về quần áo thời trang cao cấp, điều này mang đến lợi ích cho Inditex”.
Inditex vừa báo cáo mức lợi nhuận ròng 421 triệu euro cho quý đầu tiên, đây là thay đổi lớn so với khoản lỗ 409 triệu euro một năm trước nhờ việc hạn chế kinh doanh đã được nới lỏng.
Trong quý đầu năm ngoái, Inditex đã buộc phải tạm dừng hoạt động 88% số cửa hàng trên toàn thế giới. Hiện tại, tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 16%. Hơn nữa, doanh số bán trực tuyến đã tăng 67% trong giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 4.
“Sự khác biệt hóa và chuyển đổi chiến lược theo hướng tích hợp đầy đủ kỹ thuật số và mô hình bền vững là những yếu tố giúp thành công”, Pablo Isla, Chủ tịch điều hành của Inditex cho biết trong một thông cáo báo chí.
Tuy nhiên, châu Á vẫn được xem là nhân tố quan trọng trong tăng trưởng chung và dài hạn.
Cuối tháng trước, Fast Retailing sở hữu 818 cửa hàng Uniqlo tại Trung Quốc, lần đầu tiên vượt mức 810 cửa hàng tại Nhật Bản. Công ty đang có kế hoạch mở thêm 100 cửa hàng tại quốc gia đông dân nhất thế giới, bao gồm cả ở Đài Loan và Hồng Kông trong năm tài chính kéo dài hết tháng 8.
Inditex cũng đang tấn công thị trường châu Á. Mùa thu năm ngoái, công ty Tây Ban Nha đã mở cửa hàng đầu tiên tại Bắc Kinh.