Doanh nghiệp chưa đồng thuận thí điểm phương thức giao nhận hàng mới ở cửa khẩu Tân Thanh
Từ trưa 23/2, nhiều người được chủ hàng thuê thực hiện thủ tục hải quan (có giấy giới thiệu, giấy ủy quyền – thường gọi là nhà luật) đã tập trung tại khu vực bến bãi của Công ty CP Vận tải thương mại Bảo Nguyên để phản đối việc thí điểm phương thức giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) mới tại cửa khẩu Tân Thanh. Tình trạng trên đã khiến việc thông quan, xuất khẩu hàng hóa tại Cửa khẩu Tân Thanh bị ách tắc trong nhiều giờ.
Theo ông Đinh Trung Kiên, Phó Giám đốc Trung tâm quản lý cửa khẩu (Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn), sáng 23/2, phía Trung Quốc yêu cầu thí điểm 10 xe container thực hiện theo phương thức giao nhận hàng hóa mới.
Cụ thể, xe chở hàng hóa xuất khẩu sang đến bến bãi phía Trung Quốc và cắt container để lại, sau đó đầu kéo sẽ kéo container rỗng hoặc hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc về Việt Nam. Theo lý giải của ông Kiên, trước khi thực hiện việc thí điểm giao nhận hàng theo phương thức mới, các đơn vị đã dùng loa phát thanh để tuyên truyền cho các doanh nghiệp, nhưng thời điểm đó không có doanh nghiệp hay đại diện doanh nghiệp nào ở bến Bảo Nguyên để tiếp nhận thông tin nên đơn vị bến bãi và lực lượng chức năng đã cho các doanh nghiệp tự nguyện đăng ký. Đến thời điểm trưa 23/2, đã có 5 xe hàng được giao theo phương thức mới. Lúc này, các “nhà luật” mới tập trung lại để kiến nghị, phản đối.
Tuy nhiên, doanh nghiệp có hoạt động XNK hàng hóa qua cửa khẩu Tân Thanh lại cho rằng, họ không được biết đến việc thí điểm phương thức giao nhận hàng hóa mới diễn ra trong sáng 23/2. Các doanh nghiệp cho rằng Công ty Bảo Nguyên đã tự ý sắp xếp các xe thí điểm thông quan mà không thông báo đến các doanh nghiệp. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp có hàng đến lượt thông quan trong sáng 23/2 bất bình vì xe đã đến lượt nhưng bị chặn lại.
Cùng với đó, dù phía Trung Quốc không yêu cầu nhưng trong quá trình thí điểm, nhưng các xe hàng lại phải cắt container tại phía Việt Nam rồi thuê đầu kéo (do công ty Bảo Nguyên cung cấp với mức phí 3,8 triệu đồng/chuyến) để trung chuyển qua cửa khẩu. Khi hàng sang đến bãi chờ tại Trung Quốc lại một lần nữa cắt container và phải trả phí 2.500 tệ/lượt, khiến chi phí bị đội lên quá cao.
Đại diện 1 doanh nghiệp hoạt động XNK tại cửa khẩu Tân Thanh (xin được giấu tên), cho rằng: “Bất cập ở chỗ là tại sao Trung Quốc họ không yêu cầu mà bên Việt Nam lại bắt yêu cầu như thế để phát sinh thêm phí dịch vụ. Mức tiền ấy gây thiệt hại cho doanh nghiệp chứ không phải là để đẩy mạnh hoạt động XNK. Tiền chi phí lớn quá, lên đến hơn chục triệu đồng một lần/xe hàng. Mặc dù thí điểm nhưng Công ty Bảo Nguyên không điều tiết xe theo thứ tự, mà họ thích xe nào họ cho đi xe ấy nên chúng tôi phản đối. Bởi vì trước khi muốn làm một việc gì đó liên quan đến hoạt động XNK, thì phải có quyết định, văn bản hay công văn rõ ràng, phải có dấu của các cơ quan ban ngành thì chúng tôi sẵn sàng thực hiện. Nhưng đây là chưa có thông báo nào, vậy thì bao nhiêu cơ quan ban ngành, trật tự bến bãi ở đâu lại cho xe ra lộn xộn như vậy? Tôi nghĩ rằng các cơ quan ban ngành nên lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, cái gì đúng chúng ta cần phát huy, cái gì sai nên khắc phục và sửa sai”.
Ngay chiều 23/2, Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn cùng các đơn vị, lực lượng đã tổ chức đối thoại, tuyên truyền cho các doanh nghiệp, cá nhân để đạt được sự thống nhất trong hoạt động XNK. Dù vậy, phía doanh nghiệp cho rằng trong bối cảnh hoạt động XNK đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19, hay do các chính sách từ phía nước bạn Trung Quốc… khiến các doanh nghiệp XNK vốn đã hết sức khó khăn thì những khoản chi phí khổng lồ hiện nay thực sự là quá sức.
Cộng đồng doanh nghiệp XNK rất mong muốn được hỗ trợ về chi phí, giá cả dịch vụ và trước hết là sự minh bạch, đồng thuận trong quy trình hoạt động XNK, tránh để xảy ra tình trạng cá nhân, tổ chức trục lợi trên khó khăn của doanh nghiệp./.