Vượt Jeff Bezos, Elon Musk chính thức trở thành người giàu nhất hành tinh
Theo Bloomberg Billionaires Index, giá trị tài sản ròng của vị tỷ phú gốc Nam Phi hiện tại là 194,8 tỷ USD, cao hơn 9,5 tỷ USD so với Jeff Bezos – người đã giữ vị trí tỷ phú giàu nhất thế giới kể từ tháng 10/2017.
Cột mốc quan trọng này đánh dấu 12 tháng đầy phi thường đối với Elon Musk. Trong năm 2020, giá trị tài sản của ông đã tăng hơn 150 tỷ USD, có thể là tốc độ gia tăng tài sản nhanh nhất trong lịch sử. Đà tăng mạnh mẽ này được thúc đẩy từ sự thăng hoa chưa từng có của cổ phiếu Tesla. Cổ phiếu hãng xe điện bứt phá 743% vào năm ngoái nhờ lợi nhuận ổn định và chính thức được đưa vào chỉ số S&P, cùng với sự hứng khởi từ Phố Wall cũng như nhóm nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Cổ phiếu Tesla có bước khởi đầu cực kỳ ấn tượng vào năm 2021, tăng hơn 90 USD/cổ phiếu, tương đương 13%, kể từ đầu năm nay, bao gồm cả mức tăng vào ngày 7/1. Diễn biến thăng hoa này đã nâng lượng nắm giữ và quyền chọn cổ phiếu Tesla của Elon Musk lên khoảng 21 tỷ USD trong năm nay. Trong khi đó, cổ phiếu của Amazon đã giảm nhẹ ở phiên giao dịch ngày hôm qua.
Bước nhảy vọt của cổ phiếu Tesla ở phiên này càng làm tăng khoảng cách về vốn hóa so với các nhà sản xuất ô tô khác. Trong năm ngoái, Tesla chỉ sản xuất hơn 500.000 chiếc ô tô, là một con số rất nhỏ so với sản lượng của Ford Motor Co. và General Motors Co. Hiện tại, công ty này đang chuẩn bị được hưởng lợi nhiều hơn nữa khi đảng Dân chủ giành được 2 ghế Thượng viện trong cuộc bầu cử tại Georgia và quyền kiểm soát Quốc hội được trao cho đảng ủng hộ việc đẩy mạnh sử dụng xe điện.
Elon Musk được hưởng lợi từ đà tăng ấn tượng của Tesla theo nhiều cách. Ngoài 20% cổ phần trong nhà sản xuất ô tô điện, ông còn nắm giữ khoảng 40 tỷ USD khoản lời tiềm ẩn (unrealized paper gain) từ quyền chọn cổ phiếu. Số cổ phiếu này đến từ 2 khoản thưởng vào năm 2012 và 2018 – đó là khoản thưởng lớn chưa từng thấy đối với một CEO và hội đồng quản trị công ty.
Theo hồ sơ của công ty, Musk sẽ đủ điều kiện để mua thêm 16,9 triệu cổ phiếu của Tesla vào đầu năm nay. Các quyền chọn đó sẽ trị giá 12,3 tỷ USD theo giá trị hiện tại của cổ phiếu hãng xe điện, sau khi tính cả giá thực hiện (exercise price).
Trong khi đó, Jeff Bezos không có quyền chọn mua cổ phiếu Amazon, ông chỉ sở hữu 53,2 triệu cổ phiếu với tư cách là nhà sáng lập công ty. Hơn nữa, khối tài sản của ông sẽ có giá trị lớn hơn nếu không chia 19,7 triệu cổ phiếu cho vợ cũ sau vụ ly hôn. Bezos cũng đã bán bớt hoặc cho đi cổ phần như một phần của các khoản quyên góp từ thiện. Ngược lại, Elon Musk chưa bao giờ bán ra cổ phiếu Tesla.
Ngoài ra, tỷ phú Jeff Bezos không phải là người duy nhất mà Elon Musk “bắt kịp” vào thứ Năm. ExxonMobil – công ty dầu mỏ giá trị nhất nước Mỹ, ghi nhận mức vốn hóa vào ngày 7/1 chỉ dưới mức 191 tỷ USD. Vì vậy, Elon Musk – vị tỷ phú luôn ủng hộ việc thay đổi phương tiện di chuyển trên khắp thế giới từ xe chạy bằng khí đốt và dầu diesel sang xe điện, còn giàu hơn cả công ty dầu mỏ lớn nhất nước Mỹ vào thời điểm hiện tại.
Dù khối tài sản tăng trưởng đầy ấn tượng, Elon Musk lại cho biết ông ít quan tâm đến vấn đề vật chất và có rất ít tài sản khác ngoài cổ phần trong Tesla và SpaceX. Chia sẻ trong 1 cuộc phỏng vấn vào tháng trước, ông nói rằng mục đích chính của sự giàu có hiện tại của ông là thúc đẩy sự tiến hóa của nhân loại thành một “nền văn minh vũ trụ”. Ông cho hay: “Tôi muốn đóng góp nhiều nhất cho thành phố trên sao Hỏa. Và việc này cần rất nhiều tiền.”
Trong năm nay, 500 người giàu nhất thế giới đã ghi nhận khối tài sản ròng tăng ở mức kỷ lục với 1,8 nghìn tỷ USD, tương đương tăng 31%. Trong đó, 5 tỷ phú thuộc top đầu đều có tài sản hơn 100 tỷ USD và 20 người tiếp theo sở hữu ít nhất 50 tỷ USD mỗi người.
Tham khảo Bloomberg; CNN