Một tổ chức quốc tế hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 còn 2%
Vừa qua, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã điều chỉnh dự báo của mình về triển vọng tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển tại châu Á đang phát triển xuống 7% trong năm 2021 và 5,3% trong năm 2022. Nguyên nhân điều chỉnh được cho là các đợt bùng phát mới của đại dịch Covid-19 dẫn tới mức tăng trưởng chậm hơn trong quý 3/2021.
Dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cho năm 2021 đã bị hạ xuống mức 2% cho năm 2021 từ mức 3,8% dự báo tháng 9, nhưng vẫn giữ nguyên mức 6,5% vào năm 2022.
Ước tính mới nhất của ADB được trình bày trong ấn bản bổ sung thường kỳ của báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) 2021, so với dự báo của ngân hàng trong tháng 9 với mức tăng trưởng 7,1% cho năm 2021 và 5,4% cho năm 2020. Triển vọng cho năm nay đã được điều chỉnh giảm nhẹ đối với tất cả các tiểu vùng, ngoại trừ Trung Á.
Quyền Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, ông Joseph Zveglich, Jr., cho hay: “Tiến triển đều đặn của châu Á đang phát triển trong việc ứng phó Covid-19, thông qua các đợt tiêm chủng được tiếp tục triển khai và việc ứng dụng các biện pháp ngăn chặn có tính chiến lược hơn, đã giúp thúc đẩy triển vọng tăng trưởng hồi đầu năm. Song, các đợt bùng phát mới trong quý 3 đã khiến tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội bị chững lại, và sự xuất hiện của biến thể Omicron đang dẫn đến tình trạng bất định mới. Những nỗ lực phục hồi gần đây sẽ phải tính đến các diễn biến này”.
Rủi ro chính đối với triển vọng tăng trưởng vẫn là sự gia tăng lại số ca mắc Covid-19. Số ca nhiễm trung bình mỗi ngày trên toàn cầu đã tăng lên tới gần 573.000 ca vào ngày 30/11, so với 404.000 ca vào ngày 15/10.
Tỷ lệ tiêm chủng của các nước châu Á đang phát triển đã gia tăng đáng kể, lên tới 48,7% (được tiêm chủng đầy đủ) tính đến ngày 30/11, mặc dù vẫn thấp hơn Mỹ với mức 58,1% và Liên minh châu Âu với mức 67,2%. Tỷ lệ người dân được tiêm chủng đầy đủ cũng rất khác nhau trong khu vực, từ mức rất cao là 91,9% tổng dân số như ở Singapore cho tới mức rất thấp, chỉ 2,2%, như ở Papua New Guinea.
Triển vọng tăng trưởng năm 2021 của Đông Nam Á được điều chỉnh giảm 0,1%, xuống còn 3,0%, khi các nền kinh tế trong tiểu vùng áp đặt những hạn chế có trọng điểm để ứng phó với biến thể Delta.
Dự báo tăng trưởng cho năm 2022 được tăng lên 5,1%, khi các nền kinh tế dự kiến sẽ tiếp tục nới lỏng hạn chế nói chung và phục hồi các hoạt động kinh tế. Dự báo tăng trưởng của Thái Bình Dương được duy trì ở mức -0,6% trong năm nay và điều chỉnh giảm nhẹ xuống còn 4,7% cho năm 2022.
Triển vọng tăng trưởng của Đông Á đã bị giảm 0,1% cho cả năm 2021 và 2022, lần lượt xuống còn 7,5% và 5,0%, trong bối cảnh có sự điều chỉnh giảm nhẹ đối với dự báo của Trung Quốc — nền kinh tế lớn nhất khu vực. Kinh tế Trung Quốc hiện được dự kiến tăng trưởng 8% trong năm nay và 5,3% vào năm tới.
Trái ngược với xu hướng chung của các nước đang phát triển tại châu Á, nền kinh tế Trung Á dự kiến sẽ tăng trưởng 4,7% trong năm nay, phản ánh giá cả hàng hóa cao hơn và chi tiêu công gia tăng. Dự báo cho năm tới cũng được nâng từ mức 4,2% vào tháng 9 lên tới 4,4%.
Nam Á được dự báo sẽ tăng trưởng 8,6% vào năm 2021, so với mức dự báo 8,8% hồi tháng 9. Triển vọng năm 2022 của tiểu vùng vẫn duy trì ở mức 7,0%. Ấn Độ, nền kinh tế lớn nhất Nam Á, hiện được dự kiến tăng trưởng 9,7% trong năm tài khóa 2021, kết thúc vào ngày 31 tháng 3 năm 2022.
Mức giảm 0,3% diễn ra trong bối cảnh các vấn đề về chuỗi cung ứng đang ảnh hưởng đến ngành công nghiệp. Triển vọng của Ấn Độ cho năm tài khóa 2022 được duy trì ở mức 7,5%, do nhu cầu trong nước dự kiến sẽ quay trở lại mức bình thường.
Cuối cùng, báo cáo ước tính lạm phát trong khu vực vẫn nằm trong tầm kiểm soát, đạt mức 2,1% vào năm 2021 và 2,7% vào năm 2022. Điều này cho phép các nước thực hiện chính sách tiền tệ thích ứng hơn và hỗ trợ phục hồi đại dịch.