Tín dụng khó tăng mạnh trong 4 tháng cuối năm

Tín dụng khó tăng mạnh trong 4 tháng cuối năm

Báo cáo vĩ mô tháng 8 do Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) vừa công bố cho biết, trong tháng 8 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục không có hoạt động bơm/hút ròng vốn đáng kể nào thông qua thị trường mở (OMO). Tuy vậy, thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn ở trạng thái dồi dào, thể hiện qua mặt bằng lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức thấp kỷ lục (0,15-0,3%/năm cho các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần).

Về mặt bằng lãi suất huy động, trong tháng 8, các kỳ hạn ngắn (1-3 tháng) tiếp tục chứng kiến đà giảm (nhóm ngân hàng thương mại vốn Nhà nước chi phối giảm 0,2% trong khi nhóm cổ phần tư nhân có vốn điều lệ dưới 5.000 tỷ đồng giảm 0,08%). Hiện lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng đều ở sâu dưới mức trần 4,25%. 

Trong khi đó, ở kỳ hạn dài (12 tháng) chứng kiến sự trái chiều giữa nhóm NHTMCP gốc quốc doanh (tăng 0,2%) và nhóm NHTMCP có quy mô vốn nhỏ (giảm 0,28%). 

Về hoạt động tín dụng, BVSC kỳ vọng tín dụng trong 4 tháng còn lại của năm nay sẽ dần có sự cải thiện so với 8 tháng đầu năm. Tuy vậy, mức độ cải thiện sẽ không lớn, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 mới quay trở lại Việt Nam, khiến các doanh nghiệp duy trì quan điểm thận trọng về triển vọng kinh doanh, qua đó hạn chế mở rộng đầu tư. 

Về phía cung vốn, NHNN có thể sẽ tăng cường sử dụng nghiệp vụ OMO để bơm vốn ra thị trường (thay cho kênh mua vào ngoại tệ) trong trường hợp cần thiết nên cung vốn sẽ vẫn được đảm bảo. Trên cơ sở đó, thanh khoản hệ thống ngân hàng được dự báo vẫn ở trạng thái tích cực trong các tháng cuối năm.

Tính đến cuối tháng 7/2020, tổng tín dụng toàn hệ thống đạt 3,7% so với đầu năm, bằng một nửa mức tăng trưởng 7,5% cùng kỳ năm trước. Trong báo cáo cập nhật về ngành ngân hàng mới công bố, khối phân tích tại SSI Research cho rằng, tăng trưởng tín dụng năm 2020 sẽ nằm trong khoảng 7,5% – 8,5%, thấp hơn mục tiêu tăng trưởng tín dụng ban đầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là 11% -14%.