Vì sao thị trường khan hiếm nguồn cung nhà ở xã hội?
Nghị định 100 năm 2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội có quy định: Chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại có trách nhiệm dành 20% quỹ đất trong dự án để xây dựng nhà ở xã hội. Thế nhưng, tại đô thị lớn như Tp.HCM, Hà Nội nguồn cung nhà ở xã hội ngày càng ít, còn quỹ đất để xây dựng sản phẩm này như quy định cũng mất hút.
Theo Sở Xây dựng Tp.HCM, thị trường BĐS đang thiếu nguồn cung, thậm chí là “tuyệt chủng” nhà ở xã hội trong thời gian tới. Một trong những nguyên nhân của việc này liên quan đến khó khăn về quỹ đất. Các chủ đầu tư chưa thực hiện hiệu quả quy định dành 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội.
Theo các doanh nghiệp BĐS, việc phát triển quỹ đất hiện nay đang có sự mâu thuẫn giữa lợi ích của người dân, của doanh nghiệp và của Nhà nước. Cần phải xem phát triển đô thị là vì lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng và của người dân. Do đó, phải xây dựng những cơ chế, chính sách, hành lang pháp luật để tạo quỹ đất.
Chính sách tổng thể đối với nhà ở xã hội thì rất hay, nhưng để áp dụng thì chưa cụ thể, chưa hiện thực hóa được. Do đó, chính sách này chưa khuyến khích được các nguồn lực của xã hội cùng tham gia. Vì thế, theo một số doanh nghiệp để giải quyết vấn đề này Nhà nước cần phải có cơ chế thoáng hơn. Muốn làm nhà giá rẻ, nhà ở xã hội được thì hành lang pháp lý, cơ chế chính sách để triển khai dự án phải nhanh nhất.
Theo Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM, thành phố sẽ ưu tiên phát triển nhà ở xã hội, nhà giá thấp. Ngành xây dựng của Tp.HCM phấn đấu đạt tổng diện tích nhà ở xây dựng mới 50 triệu m2 vào cuối 2025, đạt chỉ tiêu bình quân 23,5m2/người. Về vấn đề quỹ đất, cần phải có sự phối hợp giữa nhiều sở ngành để cùng giải quyết.
Theo đại diện Tp, việc phối hợp giữa các Sở, ngành với nhau còn đang gặp khó khăn. Ngành xây dựng và ngành tài nguyên – môi trường phải gắn chặt với nhau vì không có đất thì không thể xây nhà. Công tác phối hợp rất quan trọng, dù đã ký rất nhiều quy chế phối hợp nhưng vẫn còn nghẽn mạch ở một vài công việc.