Tập đoàn dầu khí ExxonMobil cắt giảm 1.600 việc làm ở châu Âu
Theo thông báo của ExxonMobil, kế hoạch cắt giảm việc làm nói trên sẽ được thực thi vào cuối năm 2021, tuy nhiên, chi tiết kế hoạch không được công bố.
Nhu cầu năng lượng giảm sút trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19, cùng với sự gia tăng mạnh mẽ của ngành năng lượng xanh, giá trị cổ phiếu ExxonMobil trên phố Wall đã mất tới hơn 50% trong năm nay. Tuần trước, NextEra Energy – một công ty năng lượng kỷ nguyên xanh sở hữu hai cơ sở điện năng ở Florida – đã vượt ExxonMobil về giá trị vốn hóa trên thị trường.
ExxonMobil có tổng cộng 75.000 nhân viên tại các chi nhánh trên toàn cầu, trong đó riêng châu Âu chiếm tới 14.000 nhân viên. ExxonMobil khẳng định châu Âu vẫn là trọng tâm trong các hoạt động của hãng, tuy nhiên, hãng cần có hành động cụ thể tại thời điểm hiện nay để cải thiên cạnh tranh về giá và đảm bảo vượt qua tình hình khó khăn chung trên thị trường hiện nay.
Nhiều tập đoàn dầu khí khác trên thế giới cũng phải cắt giảm việc làm để ứng phó với tình hình kinh doanh khó khăn hiện nay. Tuần trước, Royal Dutch Shell thông báo đến năm 2022 cắt giảm 9.000 việc làm, tương ứng 10% lực lượng lao động của hãng. Đối thủ của Shell là BP cũng đã thông báo cắt giảm 15% lực lượng lao động, còn 10.000 nhân viên. Tập đoàn dịch vụ dầu khí Schlumberger cũng thông báo cắt giảm 21.000 nhân công, tương ứng 25% nhân lực của hãng.
Ngành vận tải hàng không cũng chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19. Ngày 5/10, hãng hàng không Philippine Airlines Inc (PAL) thông báo cắt giảm 1/3 lực lượng lao động (tức là khoảng 2.700 nhân viên) trong bối cảnh nhu cầu đi lại giảm sút mạnh. Hiện PAL hoạt động với công suất dưới 15% so với thời kỳ trước khi Chính phủ Philippinea áp đặt các biện pháp hạn chế về đi lại nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Cùng ngày, Tòa án bảo hộ phá sản của Mỹ đã thông qua gói cứu trợ trị giá hơn 2 tỷ USD cho hãng hàng không lớn thứ hai Mỹ Latinh Avianca Holdings nhằm giúp hãng vượt qua cuộc khủng hoảng do ảnh hưởng dịch COVID-19.
Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, hãng hàng không có trụ sở tại Bogota (Colombia) này đang trong quá trình tái cơ cấu tài chính bắt đầu vào tháng 5/2020 theo Luật Phá sản của Mỹ, đồng thời thiết lập lại hoạt động bay của hãng sau khi các biện pháp giãn cách xã hội chống dịch COVID-19 ở Colombia và các nước Mỹ Latinh khác đang dần được dỡ bỏ.
Avianca ngày 10/5 đã nộp đơn xin phá sản tại một tòa án ở New York (Mỹ) sau khi không thể thanh toán lượng trái phiếu trị giá 65 tỷ USD, qua đó trở thành một trong những hãng hàng không lớn đầu tiên của thế giới bị “nhấn chìm” do hậu quả của đại dịch COVID-19. Lịch trình các chuyến bay chở khách của Avianca đã bị gián đoạn kể từ cuối tháng 3/2020 và phần lớn nhân viên của hãng đã nghỉ việc không lương.
Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, Avianca kết nối 76 điểm đến tại 27 quốc gia ở châu Mỹ và châu Âu với đội bay gồm 158 máy bay và 19.000 nhân viên. Năm ngoái, hãng hàng không này đã vận chuyển 30,5 triệu lượt khách và đạt doanh thu 4,6 tỷ USD.