10 cách đại dịch Covid-19 sẽ định hình thế giới trong dài hạn

10 cách đại dịch Covid-19 sẽ định hình thế giới trong dài hạn

Covid-19 đã ngay lập tức tạo ra những tác động rất lớn đến thế giới. Tuy nhiên, đại dịch sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các xu hướng trong dài hạn? Đây vẫn là 1 câu hỏi còn bỏ ngỏ.

10 tháng sau khi dịch bệnh bắt đầu hoành hành trên toàn thế giới, chúng ta bàng hoàng nhận ra thế giới còn quá thiếu sự chuẩn bị để có thể đương đầu với 1 đại dịch. Khoảng 1,1 triệu người đã thiệt mạng trên toàn cầu, mà hầu hết là người già. Trong khi đó, một số quốc gia đang kiểm soát dịch bệnh thành công hơn rất nhiều so với các nước khác.

Covid-19 cũng đã tạo ra 1 cuộc suy thoái kinh tế sâu rộng, nhưng mức độ ở các quốc gia và ở các nhóm dân số là hoàn toàn khác nhau. Đặc biệt trong đó những người trẻ tuổi, thiếu kỹ năng, những bà mẹ đi làm và những nhóm thiểu số là bộ phận bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Chúng ta cũng biết rằng các biện pháp “giãn cách xã hội” đã hủy hoại mọi hoạt động phụ thuộc vào sự tương tác trực tiếp nhưng lại làm lợi cho những công việc có thể làm việc từ xa. Ngành du lịch đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Một lượng lớn doanh nghiệp sẽ nổi lên sau đại dịch với gánh nặng nợ nần chồng chất, thậm chí nhiều doanh nghiệp không thể sống sót nhưng cũng có những ngành được hưởng lợi.

Để đối phó, các nước đã tung ra các gói kích thích tài khóa và tiền tệ lớn chưa từng thấy trong thời bình, đặc biệt là ở những nước có đồng nội tệ được chấp nhận rộng rãi trên thế giới.

Chúng ta cũng biết rằng “trò chơi đổ lỗi” quanh đại dịch đã làm xói mòn quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Không chỉ có vậy, đại dịch làm dấy lên nỗi hoài nghi về toàn cầu hóa, đặc biệt là về chuỗi cung ứng.

Vậy thì về dài hạn hơn, Covid-19 gây ra những tác động như thế nào? Theo cây bút Martin Wolf của Financial Times, dưới đây là 10 điểm cần lưu ý.

Thứ nhất, về tương lai của đại dịch. Nhiều khả năng vaccine sẽ sớm xuất hiện nhưng xác suất có thể nhanh chóng phân phối vaccine ra toàn thế giới, để ai cũng có thể tiếp cận là khá thấp. Do đó Covid-19 vẫn sẽ là 1 mối đe dọa trong dài hạn.

Thứ hai, các thiệt hại kinh tế sẽ kéo dài bao lâu? Câu trả lời không chỉ phụ thuộc vào việc khi nào dịch bệnh được kiểm soát mà còn được quyết định bởi việc những vết sẹo mà đại dịch gây ra cho kinh tế toàn cầu sâu đến đâu, đặc biệt là những tác động lên tỷ lệ thất nghiệp, nợ xấu, nghèo đói, giáo dục bị đứt quãng… Kinh tế thế giới nói chung và hầu hết kinh tế của từng nước nói riêng sẽ tạm thời thu hẹp. Người dân sẽ nghèo đi.

Thứ ba, về cấu trúc của các nền kinh tế. Liệu chúng ta sẽ quay trở lại trạng thái trước dịch hay sẽ ngừng đi lại và mãi mãi làm việc từ xa? Cả 2 lựa chọn đều có ý đúng. Hoạt động đi lại, du lịch sẽ khôi phục nhưng không thể hoàn toàn giống với thời điểm trước dịch. Chúng ta đã bước vào 1 thế giới mới với các phương thức tương tác ảo được nhiệt liệt đón nhận và chúng ta sẽ không sớm rời đi.

Thứ 4, đại dịch khiến công nghệ ngày càng trở nên quan trọng và điều này sẽ không đảo ngược. Cùng lúc đó, sự tập trung của các ông lớn công nghệ càng khiến các cơ quan quản lý cũng như dư luận chú ý nhiều hơn đến tầm ảnh hưởng quá lớn của họ. Áp lực loại bỏ tình trạng độc quyền và tăng tính cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ sẽ ngày càng lớn.

Thứ 5, vai trò của chính phủ ngày càng mở rộng. Các cuộc khủng hoảng lớn thường sẽ tạo ra sự thay đổi lớn về vai trò của các chính phủ. Những gì xảy ra vừa qua cho thấy các chính phủ đang can thiệp vào nền kinh tế nhiều hơn so với thời điểm trước dịch.

Thứ 6 lại là sự đảo ngược các biện pháp can thiệp. Các NHTW đã đồng loạt cam kết giữ lãi suất “ở mức thấp trong thời gian dài”. Với cả lãi suất thực và danh nghĩa đều siêu thấp, các chính phủ sẽ dễ trả nợ hơn và cũng giúp tái cấu trúc các khoản nợ. Đến một điểểm nào đó các nước sẽ phải giảm thâm hụt tài khoá, mà giải pháp dễ nhất có lẽ là tăng thuế, đặc biệt các loại thuế đánh vào người giàu cũng chính là nhóm hưởng lợi từ đại dịch.

Thứ bảy, những tác động lên chính trị của các nước. Một số quốc gia đã xử lý cuộc khủng hoảng này rất hiệu quả trong khi có nhiều nước không làm được như vậy. Các hệ tư tưởng không phải là yếu tố quyết định sự khác biệt này, mà một trong những điều quan trọng nhất là mối quan tâm của chính phủ nước đó là gì. Một số nhà lãnh đạo theo trường phái dân tuý như Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã xử lý dịch bệnh không khéo và sự nghiệp chính trị của họ bị ảnh hưởng ít nhiều.

Thứ tám, các tác động lên quan hệ quốc tế. Đây thực sự là 1 cuộc khủng hoảng toàn cầu và chúng ta chỉ có thể đối phó hiệu quả bằng cách hợp tác chặt chẽ với nhau. Tuy nhiên, đại dịch lại càng khiến các xung đột leo thang, ví dụ như quan hệ Mỹ – Trung.

Thứ chín, tương lai của toàn cầu hoá. Tốc độ toàn cầu hoá vốn đã chậm lại kể từ sau khủng hoảng tài chính 2008 và sẽ còn chậm hơn nữa trong thế giới hậu Covid. Hệ thống đa phương sẽ bị xói mòn nhiều hơn nữa, đặc biệt là WTO sẽ không thể giải quyết các xung đột thương mại giữa phương Tây với Trung Quốc. Tuy nhiên, toàn cầu hoá trên không gian ảo (ví dụ như thương mại điện tử) lại phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Điều cuối cùng, Covid-19 chính là 1 “con dao hai lưỡi”. Một mặt, dịch bệnh thôi thúc chúng ta hướng những điều tươi đẹp hơn ở cả phạm vi trong nước và quốc tế, đặc biệt khi nói về vấn đề biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, mặt khác dịch bệnh lại làm lung lay các thoả thuận quốc tế, đặc biệt là sự kiện Mỹ rút khỏi WHO và hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.  

Covid-19 là cú sốc tác động đến cả những ngõ ngách sâu thẳm nhất, tiếp nối sự gián đoạn khủng khiếp mà cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 12 năm trước gây ra. Đại dịch khiến quá nhiều thứ thay đổi và chúng ta chỉ đoán biết được vài điều. Mọi điều còn lại đều quá mông lung.

Tham khảo Financial Times