COVID-19 khiến công suất phòng khách sạn tại Hà Nội giảm kỷ lục

COVID-19 khiến công suất phòng khách sạn tại Hà Nội giảm kỷ lục

Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc bộ phận nghiên cứu và tư vấn Savills cho biết, năm 2020 là năm “thê thảm” của phân khúc khách sạn tại Hà Nội. Nửa đầu năm 2020, vì dịch COVID-19, các khách sạn dường như đóng băng. Tuy nhiên, nửa sau năm 2020, các khách sạn tự chuyển hướng phục vụ khách nội địa nên có sự tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, bà Hẳng cũng thẳng thắn nhìn nhận, công suất phòng khách sạn Hà Nội thấp nhất 15 năm qua và giá thấp nhất trong vòng 5 năm.

Nhìn vào năm 2020, bà Hằng đưa ra con sốt, nguồn cung toàn thị trường đạt khoảng 10.020 phòng từ 16 khách sạn 5 sao, 19 khách sạn 4 sao và 32 khách sạn 3 sao, ổn định theo quý và tăng 2% theo năm. Một khách sạn 3 sao tại khu vực trung tâm được chính thức xếp hạng sao. Tới cuối năm 2020, ba khách sạn với khoảng 200 phòng vẫn đang phải tạm đóng cửa do dịch bệnh và đang sửa chữa. Hiện nay, 10 khách sạn 3-5 sao đang trở thành cơ sở cách ly gồm ba khách sạn 5 sao, năm khách sạn 4 sao và hai khách sạn 3 sao.

Bà Hằng cho rằng, do công tác phòng chống dịch tốt và có sự chuyển hướng khai thác khách trong nước nên công suốt phòng những tháng cuối năm có sự phát triển. Cụ thể, công suất thị trường quý 4/2020 đạt 33%, tăng 12 điểm % theo quý nhưng giảm -42 điểm % theo năm, giá thuê phòng trung bình đạt 70 USD/phòng/đêm, giảm -5% theo quý và -39% theo năm. Công suất trung bình cả năm 2020 giảm -44 điểm % theo năm trong khi giá thuê trung bình giảm -29% theo năm. Phân khúc khách sạn 5 sao vẫn dẫn đầu thị trường về doanh thu buồng phòng trung bình với 35 USD/phòng/đêm, phân khúc 4 sao đạt 15 USD/phòng/đêm trong khi phân khúc 3 sao chỉ đạt 9 USD/phòng/đêm.

Năm 2020 cũng chứng kiến xu hướng du lịch tại chỗ (stay cation) phát triển mạnh mẽ trong nước. Nhiều khách sạn tìm cách vực dậy hoạt động bằng những gói giảm giá sâu, nhắm tới đối tượng khách nội địa trải nghiệm kỳ nghỉ tại chỗ. Xu hướng stay cation giúp du khách nội địa có cơ hội tận hưởng ngày nghỉ cuối tuần tại các khách sạn uy tín với giá giảm gần 50% so với trước Covid-19 mà chất lượng không đổi, đặc biệt trong nhóm khách sạn lớn tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, các khu du lịch nghỉ dưỡng tại Nha Trang, Phú Quốc, Hạ Long…

Nhờ việc chuyển hướng kịp thời, hoạt động du lịch trong nước đã được khởi động trở lại, mang lại nhiều kết quả tích cực. Cả năm 2020, lượng khách nội địa đạt 56 triệu lượt, chiếm gần 66% lượng khách nội địa năm 2019. Công suất sử dụng phòng khách sạn ở nhiều địa phương như ở Đà Lạt, Sầm Sơn, Sa Pa, Hạ Long, Phú Quốc,…đã đạt tới 30- 50%, thời kỳ cao điểm, cuối tuần lên tới 80 – 90%.

Sự phục hồi của ngành du lịch Việt Nam phần nào được thể hiện ở báo cáo những chặng bay nhộn nhịp nhất thế giới hồi tháng 11-2020 của OAG – tổ chức cung cấp số liệu về du lịch, hàng không hàng đầu thế giới. Theo thống kê của OAG, với gần 893.000 khách trong tháng 11, tuyến Hà Nội – TP Hồ Chí Minh là chặng bay đông khách thứ hai thế giới, chỉ sau chặng Jeju – Seoul (Hàn Quốc) với hơn 1,3 triệu khách.

Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam khẳng định, thị trường nội địa giữ vai trò cân đối hoạt động du lịch. Đặc biệt trong bối cảnh tác động của Covid-19, thị trường quốc tế hiện nay đang dừng lại, du lịch nội địa đã thích ứng tốt. Ngành du lịch cần tính toán xem cơ cấu của ngành trong giai đoạn mới như thế nào. “Câu chuyện phát triển cân đối vùng miền, đa dạng hóa thị trường, giảm phụ thuộc vào thị trường chủ yếu để ngành có đề kháng trước những rủi ro”- ông Hà Văn Siêu nhận định.

Nhìn lại thị trường du lịch Việt Nam, ông Siêu cho biết,  ngay sau khi đạt mức tăng trưởng kỷ lục vào tháng 1/2020, du lịch Việt Nam rơi vào khủng hoảng do dịch COVID-19 bùng phát. Năm 2020, dự kiến lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm trên 80% so với năm 2019. Về khách nội địa, mặc dù Bộ VHTTDL cùng các địa phương, doanh nghiệp tổ chức nhiều chương trình kích cầu, giảm giá nhưng dự báo cũng giảm 50% so với năm 2020. Ngành du lịch Việt Nam thất thu khoảng 23 tỷ USD trong năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid 19.

Đến nay, khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã ngừng hoạt động. Công suất sử dụng phòng của nhiều khách sạn ở các thành phố lớn, các khu du lịch chỉ đạt từ 10-15%, nhiều khách sạn phải đóng cửa và cho nhân viên nghỉ việc. Ngành vận chuyển, hàng không quốc tế cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Đại dịch Covid-19 tác động sâu sắc và toàn diện, thay đổi toàn bộ chiến lược, kế hoạch và cấu trúc của ngành.

Trong bối cảnh này, vấn đề chính đặt ra là toàn ngành cần đánh giá lại, xem xét lại cơ cấu ngành, trong đó có cơ cấu thị trường khách, coi đây là cơ hội mở ra giai đoạn mới.