Nhân dân tệ vọt lên mức cao nhất gần 3 năm
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc kết thúc phiên giao dịch 10/5 trên thị trường nội địa ở mức cao nhất gần 3 năm so với USD, do đồng USD lao dốc và các nhà đầu tư nhận định những khả năng về chính sách tiền tệ của Mỹ sau báo cáo đáng thất vọng về thị trường việc làm của nước này.
Các nhà giao dịch tiền tệ cho biết, đồng CNY tăng mạnh đến nỗi rất có khả năng Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) sẽ can thiệp thông qua các ngân hàng nhà nước để cắt đà tăng quá nhanh của đồng tiền này.
Sáng 10/5, PBoC đã nâng tỷ giá tham chiếu lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 1, lên 6,4425 CNY/USD, tăng 253 pip so với mức 6,4678 của phiên giao dịch liền trước đó.
Ngay sau đó, đồng CNY liên tục tăng phá vỡ những kỷ lục cao trước đó của chính mình, trước hết là phá ngưỡng cao nhất của năm nay là 6,4245 CNY đạt được hồi tháng 1/2021, sau đó tiếp tục tăng tới 6,4173 CNY vào lúc kết thúc phiên giao dịch, là mức cao nhất kể từ 15/6/2018.
Các nhà đầu tư nóng lòng chờ đến phiên giao dịch ngày thứ Ba (11/5) để xem PBoC có động thái nào ngăn chặn sự nóng lên đột ngột của đồng CNY không.
Một số ngân hàng nước ngoài bắt đầu lo ngại các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc có thể sẽ được chỉ đạo vào cuộc để kiềm chế đà tăng của đồng CNY. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thấy có dấu hiệu chứng tỏ PBoC nỗ lực can thiệp vào thị trường tiền tệ giao ngay trong nước để làm giảm tốc độ tăng của CNT.
Tại Trung Quốc, những ngân hàng quốc doanh lớn thường kiêm vai trò là đại lý của PBoC trên thị trường tiền tệ, song họ cũng hoạt động giao dịch vì chính bản thân họ.
Ken Cheung, chiến lược gia mảng ngoại hối khu vực Châu Á của ngân hàng Mizuho Bank ở Hồng Kông, cho biết: “Có vẻ như PBoC giữ quan điểm thận trọng đối với bất kỳ áp lực tăng giá nào của CNY – do làn sóng bán tháo USD mới đây, đặc biệt là với đà hồi phục chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc”.
Theo ông Cheung: “PBoC dường như cảm thấy thoải mái khi CNY giao dịch trong phạm vi 6,4 đến 6,6 CNY/USD”, và “Vào thời điểm khi các đồng tiền của nhóm G10 đồng loạt mạnh lên thì đồng CNY cũng phải đối mặt với áp lực tăng giá mạnh”.
“Tuy nhiên, xét đến việc không phải mọi tiền tệ của các thị trường mới nổi đều mạnh lên thì để duy trì sự ổn định của đồng nhân dân tệ so với rổ tiền tệ, ngưỡng 6,4 CNY có thể trở thành mức kháng cự mạnh đối với đồng tiền này”, ông Cheung nói.
Cuối năm 2020 và đầu năm 2021, PBoC đã đưa ra nhiều biện pháp để chặn đà tăng giá của nội tệ bằng cách giảm bớt dòng vốn vào.
Ở thời điểm thị trường châu Á đóng cửa phiên 10/5, đồng USD trên thị trường phương Tây giảm xuống mức thấp thấp trong vòng 2,5 tháng do báo cáo về thị trường việc làm đáng thất vọng của Mỹ khiến các nhà đầu tư tiền tệ hạ mức đánh giá về khả năng tăng giá của đồng bạc xanh.
Theo đó, dollar index hạ xuống 90,188 lần đầu tiên kể từ ngày 26/2. Chuyên gia phân tích Kim Mundy của Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia nhận định xu hướng giảm mạnh của USD có thể tiếp tục trong tuần này.
Các chiến lược gia của Commerzbank cho biết: “Với sự phục hồi càng thất thường trên thị trường lao động Mỹ thì Fed sẽ còn mất nhiều thời gian để xem xét việc điều chỉnh tăng lãi suất”.
Các đồng tiền Châu Á khác nhìn chung cũng đều tăng so với USD trong phiên 10/5. Theo đó, rupiah Indonesia tăng mạnh nhất khi thêm 0,8% lên 14.160 rupiah/USD, mức tăng nhiều nhất kể từ ngày 4/1, nhất là trong bối cảnh những dữ liệu kinh tế mới đây cho thấy nền kinh tế này có thể sẽ hồi phục sớm khi các nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại. Dòng vốn đầu tư vào thị trường chứng khoán Indonesia ngày 7/5 lên tới 71,4 triệu USD, sau khi đạt 100,6 triệu USD hôm 6/5.
Đô la Đài Loan phiên 10/5 cũng tăng 0,6% lên 27,74 TWD/USD, cao nhất kể từ 20/5/2017 do những dữ liệu công bố hôm 7/5 cho thấy xuất khẩu của Đài Loan tăng 37,7%, vượt xa mức dự báo của Reuters là tăng 26,9%.
Xuất khẩu của Đài Loan tăng mạnh trong những tháng gần đây do nhu cầu vi mạch và thiết bị bán dẫn tăng mạnh trong dịp đại dịch Covid-19 bùng nổ – khi mọi người phải làm việc tại nhà. Các nhà chức trách Đài Loan dự kiến xuất khẩu lũy kế trong quý II có thể vượt 100 tỷ USD.
Trong nước, tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và USD ngày 10/5 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.162 VND/USD, giảm 17 đồng so với cuối tuần qua. Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng ngày 10/5 là 23.857 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.467 VND/USD. Tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá ngày hôm qua giảm khoảng 10 đồng.
Tham khảo: Reuters