Giá vàng lên trên 51 triệu đồng/lượng, có nên đầu tư lúc này?

Giá vàng lên trên 51 triệu đồng/lượng, có nên đầu tư lúc này?

Giá vàng trong nước ngày 21/7 ghi nhận mức cao kỷ lục mới tại 51,5 triệu đồng/lượng. Nguyên nhân là do vàng thế giới tăng mạnh khi các nhà đầu tư đổ xô vào tài sản an toàn trước lo ngại đồng USD liên tục mất giá và dịch bệnh Covid-19 ngày càng nghiêm trọng làm tăng mối lo kinh tế toàn cầu sẽ suy thoái sâu và lâu hơn.

Đáng chú ý, nếu như trước đây mỗi khi giá vàng tăng cao các doanh nghiệp lại chủ động điều chỉnh rộng khoảng cách giữa mua và bán, có lúc chênh lệch giá mua và bán tới cả triệu đồng/lượng, thì lần này khoảng cách chênh lệch ấy lại được kéo hẹp một cách bất ngờ. Cụ thể như chiều hôm nay, có nơi chỉ niêm yết giá bán ra chênh so với giá mua vào có 150 nghìn đồng/lượng, nơi cao nhất là 450 nghìn đồng/lượng.

Theo giới kinh doanh, việc niêm yết khoảng cách giá bán ra và mua vào hẹp cho thấy doanh nghiệp đang có nhu cầu gom vàng để phục vụ thị trường.

Dẫu vậy, thực tế quan sát của chúng tôi tại các doanh nghiệp kinh doanh vàng ở Hà Nội như DOJI, Bảo Tín Minh Châu, PNJ, Phú Quý, Bảo Tín Mạnh Hải… cho thấy không khí mua bán vàng trong ngày giá cao kỷ lục vẫn như ngày bình thường. 

“Giao dịch tại DOJI ngày hôm nay so với các ngày trước đó cũng không có quá nhiều biến động. Tỷ lệ mua/bán vàng miếng và vàng ép vỉ trung bình ở mức 80%” – một đại diện kinh doanh của DOJI cho biết. 

Cũng theo vị này, hiên nay, người mua vàng tỏ ra thận trọng hơn khi giá vàng trong nước tăng nhưng vàng thế giới có phần chững lại khiến họ lo ngại dường như vàng thế giới đã chạm đỉnh và sắp đảo chiều, thậm chí có thể diễn ra làn sóng bán tháo khiến giá vàng thế giới lao dốc như đã từng diễn ra trước đây.

Có nên mua vàng lúc này?

Vấn đề người dân và nhà đầu tư khá quan tâm đó là với giá vàng tăng liên tục và lập kỷ lục hơn 51 triệu đồng/lượng thì lúc này nên mua vào hay bán ra?

Theo ý kiến của một chuyên gia, giá vàng đang neo ở vùng cao và chênh lệch giữa giá mua – bán rất hẹp, nên nếu nhà đầu tư nào đã tích lũy được vàng ở vùng giá thấp từ trước thì có thể xem đây là cơ hội tốt để chốt lời. So với đầu năm, giá vàng hiện cao hơn tới 8,6 triệu đồng/lượng, tương đương tăng khoảng 20,1% – là tài sản sinh lời tốt nhất và cao hơn gấp 3 lần so với gửi ngân hàng.

Còn việc mua vào, nhà đầu tư cần thận trọng hơn bởi vàng trong nước chịu tác động trực tiếp từ vàng thế giới trong khi vàng thế giới khó đoán định bởi các yếu tố như diễn biến của đồng USD, tình hình dịch COVID-19, căng thẳng thương mại Mỹ -Trung…

Nếu trong thời gian tới vàng thế giới phá vỡ ngưỡng kháng cự 1.829 USD thì có thể hướng đến mức cao nhất mọi thời đại là hơn 1.900 USD, khi ấy vàng trong nước cũng sẽ tìm tới đỉnh cao mới. Nhưng ngược lại, giá vàng thế giới cũng có thể chịu sự điều chỉnh do giới đầu tư chốt lời bởi tài sản này đã tăng khá nhiều trong thời gian qua” – vị chuyên gia nhận định, đồng thời thêm rằng trong quá khứ nhiều nhà đầu tư đã phải ngậm trái đắng, tán gia bại sản khi cố chạy theo biến động của vàng. “Bởi vậy lời khuyên của tôi là các nhà đầu tư và người dân hết sức thận trọng”.

Đại diện của DOJI cũng đồng tình khi cho rằng, trong thị trường với những yếu tố rất khó đoán định tạo ra bởi dịch bệnh, căng thẳng địa chính trị, căng thẳng thương mại… như hiện tại thì đầu tư vàng ở mức giá này sẽ chứa đựng rất nhiều rủi ro ngay cả đối với những nhà đầu tư chuyên nghiệp chứ không riêng gì người dân. “Nhà đầu tư cá nhân nên thận trọng quan sát, không nên bỏ trứng vào một giỏ, cần phân chia rủi ro sang các kênh đầu tư khác nhau thay vì tất tay vào vàng” – vị này khuyến cáo.