Sôi động cuộc đua đầu tư giáo dục tư nhân
Mới đây Chủ tịch FPT – ông Trương Gia Bình đã quyết định mở trường nuôi dạy 1.000 trẻ nhỏ mất cha mẹ bởi dịch COVID-19 đến khi khôn lớn với chi phí mỗi năm 80 tỷ đồng. Đồng thời cam kết giúp các em học tập theo chương trình phổ thông, đại học FPT và học lên cao hơn nếu có nguyện vọng.
Nói về lý do nảy ra ý tưởng này, ông Bình cho biết với vai trò tập đoàn lớn hàng đầu, FPT muốn nhận các em, giúp đỡ các em trưởng thành, trở thành người có ích cho xã hội. FPT là công ty mạnh công nghệ, lại có đội ngũ đông đảo 4 vạn người. Đây là việc nên làm và có thể làm.
FPT là một trong những doanh nghiệp đầu tiên tham gia vào mảng giáo dục. Năm 1999, tên tuổi lớn trong lĩnh vực công nghệ thông tin này đã manh nha làm giáo dục khi mở trung tâm đào tạo lập trình viên quốc tế FPT Aptech và sau đó chính thức thành lập trường đại học đầu tiên năm 2006. Hiện tại, Công ty TNHH giáo dục FPT (công ty con phụ trách mảng giáo dục của FPT) với vốn điều lệ 1.400 tỷ đồng đang sở hữu 2 trường Tiểu học và THCS và 3 trường THPT và 13 trường đại học – cao đẳng – học viện – trường nghề.
Nối gót theo FPT là TTC Edu ra đời vào năm 2007 của Công ty giáo dục Thành Thành Công thuộc Tập đoàn Thành Thành Công. Tuy nhiên đến giữa năm 2019, quỹ đầu tư 5 tỷ USD Navis Capital Partners (Malaysia) đã mua lại TTC Edu. Đến đầu tháng 1/2021, Công ty Giáo dục Thành Thành Công đã công bố thương hiệu mới, đổi từ TTCE qua IGC (Institute of Global Citizenship – Học viện Công dân Toàn cầu).
Chia sẻ với báo chí, ông Đặng Văn Thành – Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công khẳng định, việc bán lại mảng giáo dục cho quỹ ngoại thì sẽ tốt hơn trong tình hình hiện tại.
Tính đến nay, Tập đoàn Giáo dục IGC có 23 cơ sở giáo dục đào tạo từ bậc Mầm non đến Phổ thông, Cao Đẳng – Đại học tọa lạc tại 6 tỉnh thành trọng điểm phía Nam: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bến Tre, Lâm Đồng, Tây Ninh; trong đó có 10 trường mầm non, 9 trường phổ thông, 2 trường cao đẳng – đại học và 2 học viện – trung tâm đào tạo.
Đến năm 2012, Tập đoàn FLC cũng nhảy vào lĩnh vực giáo dục với tuyên bố rót gần 4.000 tỷ đồng vào Trường Đại học FLC. Trường có quy mô khoảng 50 ha tại TP. Hạ Long (Quảng Ninh), được khởi công vào tháng 8/2019 và sẽ được đầu tư theo 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 (2019- 2021) đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu đào tạo cho khoảng 2.000 sinh viên; giai đoạn 2 (2022-2025) tiếp tục đầu tư xây dựng đồng bộ các hạng mục còn lại để đạt quy mô đào tạo khoảng 10.000 sinh viên vào năm 2035.
Trước đó vào tháng 7/2019, FLC cũng đã khởi công Viện đào tạo Hàng không Bamboo Airways tại Bình Định. Đây là dự án lớn trong lĩnh vực đào tạo với quy mô gần 10 ha, tổng mức đầu tư gần 700 tỷ, sau khi hoàn thành và đưa vào hoạt động trong năm 2022, dự án sẽ đào tạo gần 3.500 học viên mỗi năm với các chuyên ngành: Phi công, tiếp viên hàng không, kỹ thuật, khai thác mặt đất.
Năm 2013, ông lớn Vingroup cũng cho thấy sự quan tâm đối với mảng giáo dục khi thành lập Vinschool và tiếp theo là Vinacademy. Sau thành công với mô hình giáo dục phổ thông liên cấp, năm 2018, Tập đoàn này tiếp tục tham gia lĩnh vực giáo dục đại học với thương hiệu Đại học VinUni. Đây là trường đại học tư thục phi lợi nhuận của Việt Nam được xây dựng theo các chuẩn mực quốc tế, tích hợp các mô hình tinh hoa của giáo dục đại học thế giới và đã chính thức tuyển sinh khóa đầu tiên vào năm 2020.
Mới đây nhất vào tháng 3/2021, Nova Group đã chính thức giới thiệu Nova Education Group, là hệ thống giáo dục liên cấp từ mầm non đến phổ thông trung học, cao đẳng, đại học theo tiêu chuẩn quốc tế. Cùng thời gian này, Tập đoàn ra mắt Trường cao đẳng Nova – Nova College, tuyển sinh ngay trong năm 2021. Đây được coi là bước đi đầu tiên để tạo nên một hệ thống giáo dục liên thông từ mầm non tới đại học.
Bên cạnh các ông lớn Vingroup, FPT, TTC, Nova Group, thị trường cũng đã chứng kiến nhiều doanh nghiệp tham gia vào các dự án kinh doanh giáo dục như TH Group, Phenikaa Group, SSG Group…Tuy nhiên, trong khi các ông lớn nêu trên chỉ xem giáo dục là chỉ là “nghề tay trái”, thì Tập đoàn Nguyễn Hoàng lại đang gây dựng được vị thế đáng kể trong ngành với định hướng chính là trở thành thương hiệu giáo dục uy tín trong khu vực và thế giới.
Vào tháng 8/2008, Tập đoàn Nguyễn Hoàng thành lập Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Phát triển Học đường Quốc tế iSchool với ngôi trường đầu tiên mang tên Trường Hội nhập Quốc tế iSchool tại Rạch Giá, Kiên Giang. Đây là hệ thống trường đào tạo liên cấp từ mầm non đến phổ thông đánh dấu sự chuyển hướng sang lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam của doanh nghiệp này.
Các năm sau đó, Nguyễn Hoàng Group lần lượt cho ra mắt một số hệ thống giáo dục khác như: Trường song ngữ quốc tế Học viện Anh Quốc – UK Academy (6/2016), Viện Hợp tác Quốc tế và Du học iStudent (12/2016). Ngoài ra, Nguyễn Hoàng Group cũng tham gia nhiều thương vụ M&A trong lĩnh vực giáo dục, như: tháng 11/2011, đầu tư vào hệ thống Trường Mầm non Quốc tế Saigon Academy (SGA); tháng 5/2015, hoàn tất việc sáp nhập Đại học quốc tế Hồng Bàng (HIU)…
Hiện nay, Nguyễn Hoàng Group đang sở hữu hệ sinh thái giáo dục quốc tế, từ mầm non đến tiến sĩ, từ mô hình hội nhập quốc tế, mô hình song ngữ quốc tế đến mô hình quốc tế hoàn toàn, bao gồm 60 cơ sở giáo dục trải dài 24 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Không khó hiểu khi các nhà đầu tư dồn dập rót vốn vào lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam. Với dân số 100 triệu dân, trên 60% ở độ tuổi dưới 35, dân số ở độ tuổi đi học đông đảo, Việt Nam trở thành thị trường đầy tiềm năng cho ngành kinh doanh giáo dục tư nhân.
Nghị quyết 35/NQ-CP ban hành vào tháng 6/2019 đặt mục tiêu thúc đẩy phát triển cơ sở giáo dục ngoài công lập đến 2025 với tỷ lệ người học ngoài công lập ở các cấp phổ thông, cao đẳng – nghề và đại học chiếm tỷ lệ tương ứng là 3%, 40% và 22,5%.
Theo thống kê của TTC Edu, phụ huynh Việt Nam chi đến 47% thu nhập đầu tư cho giáo dục con cái. Mỗi năm, người Việt chi khoảng 3 tỷ USD cho con du học, nhất là bậc phổ thông, trung học và đại học, cao đẳng, con số này sẽ tiếp tục tăng theo từng năm.