Nợ xấu ngân hàng biến động mạnh
6/8 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý II ghi nhận nợ xấu tăng 2 chữ số so với đầu năm, chủ yếu tại nợ có khả năng mất vốn.
Kienlongbank là trường hợp đặc biệt khi biến động nợ xấu tăng 5,5 lần, lên 2.249 tỷ đồng, tập trung tại nợ có khả năng mất vốn hơn 2.145 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu nâng từ 1,02% lên 6,59%. Theo giải trình của ngân hàng, nợ nhóm 5 có gần 1.900 tỷ đồng các khoản vay của một nhóm khách hàng với tài sản đảm bảo là cổ phiếu STB – Sacombank (HoSE: STB) được phân loại theo quyết định của NHNN. Từ đầu năm, Kienlongbank liên tục hạ giá rao bán số cổ phiếu này nhưng chưa thành công.
VIB báo nợ xấu tăng 29% trong 6 tháng, ở mức 3.267 tỷ đồng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng 13% lên 1.979 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu nâng từ 1,96% lên 2,3%.
Theo sau, LienVietPostBank có nợ xấu tăng 24% lên 2.506 tỷ đồng. Riêng nợ có khả năng mất vốn tăng 22%, quanh 1.738 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tăng 21 điểm cơ bản lên 1,65%.
Một số ngân hàng như BacABank, Sacombank và Vietcombank ghi nhận nợ xấu tăng 11-19%, đồng thời đẩy mạnh trích lập dự phòng.
Vietcombank, ngân hàng đầu tiên trong nhóm “Big4” công bố báo cáo tài chính quý II với nợ xấu tăng 11%, lên 6.432 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu cũng nâng từ 0,79% lên 0,83%. Nợ cần chú ý trong nửa đầu năm tăng 2 lần lên 7.724 tỷ đồng. Ngân hàng tăng dự phòng rủi ro cho vay từ 10.416 tỷ đồng lên 16.371 tỷ đồng, tương đương cao hơn 57% so với đầu năm. Trong đó, dự phòng cụ thể tăng 5.600 tỷ đồng lên 10.742 tỷ đồng. Đây là ngân hàng tăng dự phòng cao nhất trong ngành đến nay.