Con người cần kiêng thịt bò nếu không muốn tự “nấu chín” mình
Một cuộc thăm dò năm 2014 cho thấy bít tết chính là món ăn yêu thích của người Mỹ. Nhưng thật không may, bằng cách nấu quá nhiều thịt bò, con người cũng đang tự nấu chín chính mình.
Tác động của thực phẩm đến phát thải khí nhà kính có thể trượt khỏi tầm kiểm soát. Trong một khảo sát tại Anh năm 2020, kết quả phản hồi cho thấy hoạt động “sản xuất rau và thịt ở trang trại” được cho là yếu tố thấp nhất trong danh sách 10 hoạt động có ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, hai bài báo được xuất bản trên Nature Food đã chỉ ra rằng thực phẩm, đặc biệt là thịt bò, thải ra nhiều khí nhà kính hơn mọi người vẫn tưởng. Kiêng món bít tết có thể là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để giảm lượng khí thải.
Năm 2019, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc (LHQ) ước tính rằng hệ thống lương thực toàn cầu thải ra 21-37% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu.
Trong tháng 3, nghiên cứu của Ủy ban châu Âu và Tổ chức Nông lương LHQ cho thấy 34% khí nhà kính tạo ra trong năm 2015 là do thực phẩm.
Kết quả cao như vậy xuất phát từ các nguyên nhân như ảnh hưởng của phá rừng làm nông nghiệp. Hệ quả của nó bao gồm lượng khí thải sau khi bán thực phẩm (chẳng hạn như từ chất thải và quá trình nấu nướng). Các loại cây phi lương thực như bông cũng được tính đến.
Nhưng thậm chí khi các tác giả nghiên cứu loại trừ những nguồn phát thải như vận chuyển hoặc đóng gói, họ vẫn thấy nông nghiệp tạo ra 24% khí nhà kính. Theo một nghiên cứu của Viện Tài nguyên Thế giới, nhóm ô tô, tàu hỏa, tàu thủy và máy bay chỉ tạo ra tổng cộng 16% khí nhà kính.
Trên một bài báo khác gần đây, Xiaoming Xu thuộc Đại học Illinois tại Urbana-Champaign và tám đồng tác giả, đã nghiên cứu tác động từ 171 cây trồng và 16 sản phẩm động vật. Họ phát hiện ra rằng thực phẩm động vật chiếm 57% khí nhà kính trong nông nghiệp, 29% từ sản phẩm thực vật. Riêng thịt bò và sữa bò đã chiếm 34%.