Xác định dịch lâu dài, nhà đầu tư, doanh nghiệp BĐS cần chuẩn bị kịch bản như thế nào để ứng phó?

Xác định dịch lâu dài, nhà đầu tư, doanh nghiệp BĐS cần chuẩn bị kịch bản như thế nào để ứng phó?

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại Tp.HCM, giới đầu tư cho rằng toàn bộ các thành phần tham gia vào thị trường bất động sản cần phải sẵn sàng một kịch bản rõ ràng, để có thể sống và làm việc tuân thủ theo quy tắc 5K dài hơi hơn. Thậm chí, nhiều chuyên gia dự báo là đến cuối năm 2022 thì tình hình dịch bệnh mới có thể kiểm soát tốt, nếu trong tình huống vắc-xin được phủ rộng rãi trên nhiều tỉnh thành.

Giới chuyên gia cũng nhận định, dịch Covid-19 chưa thể kết thúc được ngay mà sẽ còn tiếp tục kéo dài, kể cả khi người dân cả nước đều đã được tiêm vắc-xin đầy đủ. Hàng loạt các biến thể vẫn đang ngấp nghé tấn công nhiều nước trên thế giới, bằng chứng là nhiều quốc gia sau thời gian dài kiểm soát tốt thì lại phải tiếp tục đối mặt với biến thể mới với mức độ lây nhiễm và khả năng tử vong nhanh chóng hơn.

Trước tình hình này, thị trường bất động sản chắc chắn chưa thể hồi phục trong thời gian ngắn. Ít nhất là hơn 1 năm nữa để thị trường có thể rục rịch quay lại làn sóng đầu tư. Do đó, trong thời gian chờ đợi, tất cả các thành phần tham gia vào thị trường cần cần lên phương án kỹ lưỡng, tính toán kỹ về nguồn tiền, dự phòng rủi ro, tính toán nhân sự, chi phí mặt bằng, lãi vay để có thể cầm cự khi dịch được cơ bản khống chế.

Cụ thể, đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu có nguồn vốn nhỏ lẻ thì không nên quá liều lĩnh vào lúc này. Mặc dù hiện tại một số bất động sản có thể giảm giá, là cơ hội tốt để mua vào nhưng nhà đầu tư cũng không nên quá vội vàng mà phải ước lượng được nguồn tiền đi đường dài cho bản thân và gia đình. Trước mắt nhà đầu tư nên lên phương án chuẩn bị nguồn tiền dự phòng rủi ro để tránh bị ngộp hàng, thiếu dòng tiền trong tình huống dịch bệnh kéo dài.

Đối với các nhà đầu tư vay ngân hàng, ngay từ bây giờ nên lên phương án trong trường hợp thu nhập mất đi hoàn toàn, không thể tiếp tục trả lãi vay và tiền gốc. Trên thực tế, thời gian qua một số ngân hàng có áp dụng hỗ trợ giãn lãi, giảm lãi vay cho một số đối tượng vay, nhưng đối với đối tượng vay mua bất động sản lại chưa được hỗ trợ. Do đó, các nhà đầu tư thuộc đối tượng vay ngân hàng nếu có thể bán ra thu vốn thì cũng cần tính đến phương án này trước khi mất đi thu nhập. Còn trong trường hợp quyết định chờ thị trường khá hơn, thì nhà đầu tư cần chuẩn bị một khoản tiền dự phòng để trả lãi vay, bằng cách vay mượn gia đình, bạn bè, hoặc tính phương án dài hơi hơn… chứ không nên quá liều lĩnh.

Đối với các môi giới bất động sản, thời gian qua hầu hết môi giới mất đi nguồn thu nhập chính vì các dự án đóng băng, thị trường không có giao dịch, các phân khúc bất động sản trầm lắng do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Trước tình hình này, các chuyên gia khuyến cáo môi giới không nên quá kỳ vọng vào việc thị trường bất động sản sẽ sớm khởi sắc trở lại, mà nên lên phương án dài hơi hơn để đảm bảo được nguồn thu và tiếp tục đối mặt với đại dịch lâu dài. Nếu quá khó khăn, môi giới có thể tính đến việc đổi công việc, nhờ vả gia đình, bạn bè người thân hỗ trợ với những công việc khác làm tạm thời trong thời gian giãn cách. Đối với những môi giới nếu đang đầu tư ở đâu đó thì cũng nên tính đến phương án rao bán bất động sản để giữ được khoản tiền đề phòng khi khó khăn.

Còn các doanh nghiệp bất động sản có lẽ đây là thời điểm cam go và khó khăn nhất tính từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam. Rất nhiều doanh nghiệp trước đó đã phải chọn cách đau lòng là cắt bớt nhân sự, giảm bớt thu nhập của nhân viên, hoặc sử dụng mọi phương án từ vay nóng, vay nguội để có thể cầm cự. Thế nhưng, khi tình hình dịch bệnh càng tiếp tục diễn biến phức tạp, ghi nhận cho thấy rất nhiều doanh nghiệp đã cạn vốn, kiệt sức. Thậm chí nhiều công ty có hàng trăm nhân sự, nhiều sàn môi giới nhỏ lẻ đều đang đứng trên bờ vực phá sản vì không còn đủ sức huy động các khoản vay.

Trong tình thế này, các chuyên gia cũng có lời khuyên cho các chủ doanh nghiệp cần tính toán thật kỹ lưỡng, vạch rõ các hướng đi rõ ràng trong tình huống dịch bệnh còn tiếp tục kéo dài đến hết năm 2022. Ngoài nguồn tiền xoay vòng, doanh nghiệp cũng cần tính đến phương án hỗ trợ nhân sự ra sao, các nguồn chi phí khác phải xử lý thế nào, nếu vay lượng vốn quá lớn thì trong trường hợp dịch kéo dài, phương án giãn cách không được dỡ bỏ, thì doanh nghiệp sẽ xoay sở rao sao?

Dịch bệnh ập đến là điều không ai mong muốn, nhưng thực tế đã cho thấy trong vài tháng qua có hàng ngàn doanh nghiệp tại Tp.HCM đã phải phá sản, nhiều sàn môi giới tan rã vì không thể trụ nổi với hàng trăm chi phí phát sinh mỗi tháng, tương đương với việc hàng trăm ngàn môi giới cũng mất việc vì đại dịch. Trước tình hình này, có lẽ các thành phần tham gia thị trường lúc này cũng cần chuẩn bị tinh thần, không nên quá kỳ vọng vào việc thị trường sẽ sớm khởi sắc mà cần tính toán bước đi đường dài hơn, hoặc có thể rẽ hướng đi nếu điều đó là cần thiết vào ngay lúc này.