Sự thật đằng sau những tin đồn và tình trạng người dân Trung Quốc đổ xô đi rút tiền khỏi ngân hàng
Chỉ từ tháng trước, những người gửi tiết kiệm đã lo lắng và tới tận ba ngân hàng để rút tiền giữa những tin đồn về tình trạng thiếu tiền mặt mà sau đó đã bị bác bỏ là sai sự thật. Cuối tuần qua, nhiều khách hàng cũng đã đổ xô đến một ngân hàng ở tỉnh phía bắc Hà Bắc để rút tiền, khiến các cơ quan quản lý địa phương can thiệp với sự giúp đỡ từ khi cảnh sát.
Niềm tin vào hệ thống ngân hàng trị giá 43 nghìn tỷ USD của Trung Quốc với hơn 1 tỷ chủ tài khoản, đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, qua đó đe dọa trực tiếp đến kế hoạch nổi lên thành một cường quốc kinh tế của nước này.
Sau một vài vụ giải cứu và sự kiện quốc hữu hóa 1 ngân hàng lần đầu tiên trong hơn 20 năm trở lại đây, hệ thống ngân hàng lớn nhất thế giới lại phải hứng chịu những hệ lụy từ đại dịch COVID-19 trong bối cảnh kinh tế suy giảm.
Zhang Shuaishuai, một nhà phân tích tại China International Capital Corp, cho biết: “Những người gửi tiết kiệm ở Trung Quốc luôn tự tin rằng các ngân hàng không hề có bất kỳ rủi ro nào, mặc dù những suy nghĩ đã bị thay đổi trong thời gian gần đây. Hiện tại, tài khoản của các khách hàng vẫn được đảm bảo song những lời đồn đoán đã ngay lập tức khiến nhiều ngân hàng phải đối mặt với rủi ro thanh khoản nghiêm trọng”.
Trong nhiều thập kỷ, hoạt động gửi tiền tại các ngân hàng đã cung cấp một nguồn vốn ổn định cho thị trường tài chính Trung Quốc, hiện đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế lên mức lớn thứ hai trên thế giới. Các hộ gia đình tại Trung Quốc đang nắm giữ khoảng 90 nghìn tỷ nhân dân tệ (13 nghìn tỷ USD) tiền gửi tại các ngân hàng, nhiều hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới.
Các nhà quản lý hiện không chỉ tìm cách làm dịu tâm lý khách hàng mà còn tăng cường bảo vệ thanh khoản tại các ngân hàng địa phương. Tuy nhiên, vụ náo loạn tại ngân hàng ở Hà Bắc đã diễn ra ngay sau khi chính quyền khởi động một chương trình thí điểm nhằm hạn chế các giao dịch lớn trong tỉnh.
Theo quy định của chương trình thí điểm áp dụng trong 2 năm (tới tháng 10 sẽ được mở rộng ra Chiết Giang và Thượng Hải, tức 70 triệu dân bị tác động), các khách hàng cá nhân muốn rút hoặc gửi số tiền từ 100.000 tệ (14.000 USD) đến 300.000 tệ sẽ phải báo cáo trước.
Ủy ban điều tiết ngân hàng và bảo hiểm Trung Quốc hôm thứ Bảy một lần nữa cảnh báo rằng các ngân hàng đang phải đối mặt với tình trạng nợ xấu gia tăng khi nền kinh tế đang tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong bốn thập kỷ.
Trong khi các biện pháp ngăn chặn, bao gồm đảo nợ và giãn nợ, đã hạn chế sự gia tăng nợ xấu ngay lập tức, song cơ quan quản lý cho biết các vấn đề cơ bản của các ngân hàng được quản lý kém và khả năng trả nợ của các công ty và cá nhân vẫn chưa được giải quyết. Cơ quan này cũng yêu cầu các ngân hàng từ bỏ 1,5 nghìn tỷ nhân dân tệ lợi nhuận trong năm nay bằng cách đưa ra lãi suất cho vay thấp hơn, cắt giảm phí, hoãn trả nợ và cấp thêm các khoản vay không có bảo đảm cho các doanh nghiệp nhỏ để giúp đỡ nền kinh tế.
Cơ quan này phải quản lý hơn 3.000 ngân hàng, mà phần lớn là những ngân hàng nhỏ ở nông thôn khó tiếp cận nguồn vốn. Trong 1 động thái khác cũng là chưa từng có tiền lệ, Trung Quốc đang có kế hoạch cho phép các chính quyền địa phương sử dụng khoảng 200 tỷ nhân dân tệ huy động được từ trái phiếu để giúp các ngân hàng nhỏ tăng vốn.
Theo S&P Global, nợ xấu của hệ thống ngân hàng Trung Quốc có thể tăng thêm 8.000 tỷ nhân dân tệ trong năm nay. Trong khi đó, một phân tích của UBS Group AG đã chỉ ra rằng các ngân hàng nhỏ đang phải đối mặt với sự thiếu hụt vốn tới 349 tỷ USD.
Tuy nhiên, cơ quan quản lý Trung Quốc lại cho rằng con số đó hiện chỉ ở mức 50 tỷ USD, đồng nghĩa với việc một số ngân hàng sẽ bị giảm tăng trưởng lợi nhuận, thậm chí giảm lợi nhuận.
Theo Bloomberg, các ngân hàng Trung Quốc còn phải chịu áp lực từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp, với tổng số trái phiếu vỡ nợ từ đầu năm đến nay vào khoảng 80 tỷ nhân dân tệ, cao nhất trong ít nhất 3 năm trở lại đây.