Câu chuyện 2 năm tái cấu trúc toàn diện Tập đoàn Sơn Hà
Sơn Hà như lột xác trong vòng gần 2 năm qua
Quyết định từ nhiệm vì nguyện vọng cá nhân của ông Hoan là một bất ngờ đối với nhiều đồng nghiệp và những người quan sát sự thay đổi của Sơn Hà trong thời gian vừa qua. Cuối năm 2019, nhận lời mời của Chủ tịch Sơn Hà, ông Hoan đã rời ngành golf với một vị trí thuận lợi ở Tập đoàn FLC để về làm việc tại Sơn Hà trong vai trò phụ trách tài chính đầu tư, nhưng thực chất là thủ lĩnh cải cách dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông Lê Vĩnh Sơn. Sơn Hà lúc này đang muốn tái cấu trúc toàn diện, định hình con đường đi giai đoạn 20 năm tiếp theo trước sức ép của các đối thủ cạnh tranh.
Ông Hoan có kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực tài chính & đầu tư. Lời mời của Chủ tịch Lê Vĩnh Sơn và mong muốn cải tổ lại toàn diện Tập đoàn đủ sức hấp dẫn với vị doanh nhân 7x, dù ông biết chặng đường phía trước sẽ không dễ dàng.
Trong gần 2 năm qua, Tập đoàn Sơn Hà quả thật đã thực hiện tái cấu trúc toàn diện ở cả 3 trụ cột: Quy hoạch ngành nghề; Mô hình tổ chức đến Văn hóa Sơn Hà; Xác định rõ Tầm nhìn; Sứ mệnh và Giá trị cốt lõi của Tập đoàn ở thời kỳ mới.
Trước đó, Sơn Hà là tập đoàn tham gia vào nhiều lĩnh vực. Mọi thứ trong mắt cựu Phó Tổng giám đốc thường trực khá phân tán, mảnh rẻ, do đó không có thước đo cho từng mảng để ứng xử thích hợp.
Cuối năm 2019, Tập đoàn Sơn Hà công bố Nghị quyết 13 như một tuyên bố chiến lược về cái cấu trúc toàn diện, qua đó tổ chức công ty mẹ theo mô hình công ty holding. Đáng chú ý, hệ thống các công ty con, đơn vị, dự án thuộc tập đoàn được quy hoạch thành 6 khối ngành chính: (i) Ngành gia dụng; (ii) Ngành công nghiệp; (iii) Ngành năng lượng; (iv) Ngành nước sạch, nước thải; (v) Ngành Bất động sản; (vi) Ngành nội thất.
Các phòng ban của Sơn Hà được sắp xếp lại và thành lập mới trên cơ sở quản trị theo chức năng, ngoài ra công ty cũng thiết lập khối thương mại dịch vụ hỗ trợ phát triển chuỗi sản xuất từ giao nhận, kinh doanh, mua sắm tập trung và nghiên cứu phát triển.
Sau khi đã sắp xếp lại, câu hỏi hướng đi với từng lĩnh vực cụ thể thế nào được đặt ra.
“Với ngành sản xuất hàng gia dụng và hàng công nghiệp, chúng tôi vẫn coi là ngành cốt lõi gắn liền với thế mạnh và lịch sử phát triển của Tập đoàn. Chúng tôi sắp xếp và hình thành lên Tổng Công ty Toàn Mỹ để tiếp tục phát triển theo hướng nâng cao công nghệ, đáp ứng và thích ứng một cách linh hoạt với nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Qua đó, có thể đầu tư thêm các sản phẩm ở chất lượng cao hơn.
Với ngành năng lượng, Sơn Hà xác định chỉ tham gia điện mặt trời áp mái (rooftop) chứ không chạy đua theo làm dự án (farm). Với xe điện cũng vậy, Sơn Hà đi theo triết lý tạo ra sản phẩm thay thế cho xe máy xăng truyền thống. Tức là khi quy hoạch lại mình sẽ nhìn thấu được lợi thế đang có và xu hướng thị trường là gì để lựa chọn đầu tư xứng đáng, chứ không còn lan man nữa”, ông Hoan chia sẻ.
“Với ngành nước thải, chúng tôi nhập khẩu công nghệ xử lý hàng đầu của Hàn Quốc thay thế cho toàn bộ bể phốt xây mà người dân vẫn xử dụng từ trước đến nay. Bây giờ có thể người ta chưa dùng đến, nhưng trong tương lai chắc chắn phải thay thế. Chúng tôi đi trước về công nghệ, nghiên cứu, thử nghiệm đưa vào thị trường. Nếu làm như vậy, rõ ràng mình thấy có tương lai và sẵn sàng bỏ tiền đầu tư. Thậm chí 2 – 3 năm không có lãi cũng không sao cả, 5 – 6 năm sẽ ổn”.
“Hay trong ngành bất động sản, cách đây gần chục năm ai đó có thể nói tập đoàn đã thất bại về bất động sản. Nhưng khi về Sơn Hà, tôi chia sẻ và được anh Sơn đồng ý rằng, bất động sản dù gì chăng nữa vẫn là công cụ quan trọng để xây dựng đế chế, nên Sơn Hà cần quay lại với BĐS. Chúng tôi thay đổi cách làm, trở nên chắc chắn, bài bản, tốc độ và thực dụng hơn.
Đơn cử, Dự án KCN Tam Dương, chúng tôi chỉ mất gần 14 tháng để hoàn thành toàn bộ thủ tục từ hồ sơ đề xuất, quy hoạch 1/500, cho đến thiết kế thi công. Giờ đây, Dự án KCN Tam Dương đã đang thực hiện GPMB và dự kiến sẽ đưa vào hoạt động trong năm tới”.