Ngân hàng Nhật Bản cảnh báo hầu hết các nền kinh tế Đông Nam Á sẽ phải vật lộn để tăng trưởng ngay cả khi khống chế được Covid-19
Euben Paracuelles, chuyên gia kinh tế trưởng ASEAN tại Nomura, nói rằng những bất ổn toàn cầu sẽ tác động tới khả năng phục hồi kinh tế khu vực ngay cả ở một số nước ngăn thành công hơn trong việc ngăn chặn virus corona lây lan trong cộng đồng.
“Nhìn chung, hầu hết khu vực này sẽ trải qua phục hình chữ U bởi còn nhiều điều không chắc chắn. Tôi nghĩ những rủi ro vẫn hướng về khả năng sụt giảm”, Euben Paracuelles cho biết. Phục hồi hình chữ U có nghĩa là các quốc gia mất nhiều thời gian ở đáy của suy thoái trước khi nó dần phục hồi.
Paracuelles giải thích rằng dù Thái Lan là nước ngăn chặn thành công virus corona bùng phát trong cộng đồng nhưng nền kinh tế của họ vẫn gặp phải những thách thức lớn từ sụt giảm nghiêm trọng ngành du lịch. Thậm chí, cú đánh này sẽ chỉ được giải quyết cho đến khi các biện pháp phong tỏa biên giới được nới lỏng hay thế giới có vắc xin chống Covid-19.
Trong báo cáo tháng trước tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển, Thái Lan được liệt kê là một trong những quốc gia có thể chịu thiệt hại kinh tế lớn nhất từ việc sụt giảm du lịch. Trong kịch bản lạc quan nhất, Thái lan sẽ mất 9% GDP, tương đương khoảng 47,7 tỷ USD vì Covid-19.
“Trước đại dịch, động cơ tăng trưởng kinh tế duy nhất của Thái Lan là lĩnh vực du lịch và các ngành liên quan. Khi nó không còn nữa, sẽ không có nhiều thứ có thể thúc đẩy nền kinh tế này bùng nổ”, Paracuelles cho hay.
Trong khi đó, dù Singapore đã nới lỏng các biện pháp cách ly xã hội trong hơn 1 tháng qua nhưng đợt bùng phát Covid-19 mới trên toàn cầu có thể đe dọa nhu cầu bên ngoài với ngành hàng hóa và dịch vụ của Singapore. Thực tế, Singapore phụ thuộc nhiều vào nhu cầu bên ngoài do quy mô thị trường nội địa rất nhỏ.
Indonesia và Philippines, 2 quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á, đang phải vật lộn để kiểm soát sự lây lan của Covid-19. Cả 2 nền kinh tế này đã phải gánh chịu những tổn thất. Hôm 5/8, Indonesia cho biết GDP quý 2 của nước này giảm 5,3% so với 1 năm trước, lần giảm đầu tiên trong hơn 2 thập kỷ. Philippines thì công bố GDP giảm 16,5% so với cùng kỳ năm trước, con số chưa từng có trong lịch sử.
Trong tuần này, Philippines cũng thắt chặt phong tỏa thủ đô Manila và các khu vực lân cận vì dịch bệnh, một động thái được cho là tiếp tục tác động nặng nề tới các hoạt động kinh tế. Ngoài ra, Philippines cũng tung ra các gói kích thích ít hơn so với các nước trong khu vực.
Với Indonesia, ông Paracuelles cho rằng Chính quyền càng mất nhiều thời gian để kiểm soát các ổ dịch thì họ càng khó có thể đưa ra các biện pháp kích thích đủ khả năng thúc đẩy nền kinh tế.
Việt Nam, quốc gia được cả thế giới ca ngợi về khả năng kiểm soát Covid-19, không có tên trong danh sách những nền kinh tế phải vật lộn cho tăng trưởng của Nomura.
Tham khảo: CNBC