Những ai may mắn mua vàng ngày Thần Tài năm ngoái, giờ cầm chắc lãi đậm
Thần Tài là một vị thần được nhiều gia đình người Việt thờ cúng, đặc biệt là ở những gia đình kinh doanh, buôn bán.
Trong năm, ngày 10 tháng Giêng âm lịch là ngày để tạ ơn và tưởng nhớ đến vị Thần Tài đã mang lại tài lộc cho gia chủ trong một năm; và ngày vía Thần Tài còn là ngày với mong muốn được “đổi vía” – khi có vía của vị Thần Tài lộc sẽ đem đến cho gia chủ một năm mới đến thật sung túc và bình an.
Vào ngày Thần Tài, người Việt không chỉ mua sắm đồ lễ cúng mà còn có thói quen mua vàng để lấy vía, cầu một năm kinh doanh thuận lợi, suôn sẻ. Bởi vậy, cứ ngày vía Thần Tài lại thấy các cửa hiệu vàng bạc uy tín chật kín khách hàng, cũng không khó bắt gặp hình ảnh người dân xếp hàng dài từ 4-5h sáng để trở thành những người đầu tiên mua được vàng trong ngày này. Giá vàng dịp Thần Tài cũng được đẩy lên cao do nhu cầu tăng mạnh.
Năm ngoái, ngày Thần Tài rơi vào 21/2/2021. Giá vàng miếng SJC lúc này phổ biến quanh mức 55,6-56,3 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Ngay sau ngày Thần Tài, giá vàng giảm trong 4 tuần liên tiếp theo biến động của vàng thế giới, chạm đáy 54,15-54,55 triệu đồng/lượng vào cuối tháng 3/2021. Tuy nhiên sau đó, giá vàng trong nước bất ngờ đảo chiều đi lên bất chấp vàng thế giới lình xình đi ngang.
Sau gần 1 năm, đến hiện tại, giá vàng trong nước đã lập đỉnh lịch sử. Giá vàng miếng SJC đang phổ biến 62,7-63,5 triệu đồng/lượng.
Như vậy, những ai mua vàng “lấy may” vào ngày Thần Tài năm ngoái thì sau 1 năm đã có lãi 6,5 triệu đồng/lượng (tương đương lãi 11,4%), mức lãi này cao hơn nhiều so với gửi tiết kiệm ngân hàng (chỉ khoảng 6%/năm với kỳ hạn 1 năm).
Để chuẩn bị cho ngày vía Thần Tài, các thương hiệu vàng lớn đã chuẩn bị nhiều mẫu sản phẩm mới để phục vụ nhu cầu của khách hàng. Các mặt hàng năm nay rất phong phú bao gồm vàng miếng, vàng chỉ trơn, tượng Kim Dần – Hổ Vàng của năm 2022, vàng ép vỉ 999.9 độc đáo Kim Dần Chiêu Tài, Kim Dần Phát Lộc,…
Nhiều người tin rằng, vàng vẫn là kênh đầu tư chắc chắn và “không lỗi thời” tại Việt Nam. Trên thực tế, bất chấp nhiều khó khăn bởi dịch bệnh, nhu cầu về các sản phẩm vàng của người Việt vẫn tăng trong năm qua. Theo Hội đồng Vàng thế giới (WGC), năm 2021, thị trường vàng Việt Nam ghi nhận nhu cầu về vàng trang sức đạt 12 tấn, cao hơn 11% so với con số 11 tấn trong năm 2020. Bên cạnh đó, nhu cầu cả năm về vàng miếng và tiền xu ở Việt Nam đạt 31 tấn, tăng so với 29 tấn được mua trong năm 2020.
Ông Andrew Naylor, Giám đốc điều hành khu vực châu Á – Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) tại Hội đồng Vàng thế giới, cho biết: “Dù nhiều người tiêu dùng Việt Nam tỏ ra thận trọng khi mua hàng hóa giá trị cao do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch, doanh số bán hàng tăng mạnh vào tháng 11/2021 nhờ các chiến dịch khuyến mại và mùa cưới. Các cột mốc quan trọng về văn hóa, cùng với sự phục hồi niềm tin của người tiêu dùng đã khiến nhu cầu tiêu dùng vàng cả năm của Việt Nam tăng lên đáng kể”.
Bên cạnh những người thích vàng, cũng có nhiều người, đặc biệt là giới trẻ đã dần bỏ quan niệm mua vàng để đầu tư và cho rằng còn nhiều tài sản sinh lời tốt hơn như chứng khoán, bất động sản, tiền kỹ thuật số,…Ngoài ra, nhà đầu tư cũng lo ngại với rủi ro giá vàng trong nước hiện nay khi chênh lệch quá lớn so với giá vàng thế giới.
Trên thị trường quốc tế, hiện giá vàng giao ngay chỉ ở mức 1.810 USD/ounce, tương đương với khoảng 50 triệu đồng/lượng khi quy đổi theo tỷ giá USD tại ngân hàng, thấp hơn tới 13 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.
Các chuyên gia cho biết, nguyên nhân giá vàng trong nước đắt đỏ như vậy là bởi nguồn cung ít, nhiều năm nay Việt Nam không nhập khẩu vàng. Trong khi đó, người dân vẫn có tâm lý tích trữ vàng như kênh trú ẩn trước lạm phát, khiến cho nguồn cung vàng miếng SJC trên thị trường khan hiếm. Việc chênh lệch lên tới 10-13 triệu đồng/lượng cũng sẽ rất rủi ro đối với những người đi mua vàng để đầu cơ kiếm lời.