Tỷ giá sẽ như thế nào trong thời gian tới?
Sáng nay (11/7), tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng giảm nhẹ khoảng 10 đồng so với sáng hôm qua. Hiện Vietcombank niêm yết tỷ giá USD ở mức 23.060-23.270 đồng. So với đầu năm, giá USD tại các ngân hàng hiện chỉ cao hơn khoảng 40-50 đồng, tăng khoảng 0,17%.
Chứng khoán KB Securities Việt Nam (KBSV) cho rằng, nếu so với các đồng tiền khác trong khu vực, VND vẫn tiếp tục được đánh giá là đồng tiền ổn định trong 6 tháng đầu năm. Nguyên nhân chính giúp tỷ giá USD/VND ổn đinh xuyên suốt Quý 2 là nhờ đồng USD đã ổn định trở lại.
Cụ thể, DXY đã tăng vọt hơn 8% trong khoảng thời gian từ ngày 9 đến ngày 20 tháng 3, khi các nhà đầu tư hoảng loạn vì Covid-19 nhưng hiện tại, chỉ số DXY gần như quay về mức tương đương với đầu năm (~97 điểm). Điều này phần lớn đến từ các chính sách nới lỏng tiền tệ của FED nhằm hỗ trợ kinh tế Mỹ, kết hợp với việc FED đã chủ động hỗ trợ thanh khoản USD toàn cầu thông qua chương trình hoán đổi tiền tệ (swap lines) với các NHTW khác như Nhật Bản, Anh, EU, Singapore, Hàn Quốc… Tính đến cuối tháng 4, các NHTW đã vay được hơn 440 tỷ USD từ hoán đổi ngoại tệ, đồng nghĩa nguồn cung USD toàn cầu đã được hỗ trợ.
Với nhiều điều kiện thuận lợi, KBSV dự báo đồng VND trong năm 2020 sẽ duy trì mức mất giá khoảng 1% – thấp hơn dự báo trước đó là 2,5% nhờ nguồn cung USD được cải thiện. Yếu tố tiếp tục hỗ trợ VND là nguồn cung ngoại tệ trong nước dồi dào, trong khi xu hướng hạ nhiệt của đồng USD kỳ vọng tiếp diễn:
Nguồn cung ngoại tệ được đánh giá vẫn duy trì trạng thái dồi dào trong nửa cuối năm 2020, khi hoạt động xuất nhập khẩu hồi phục và kỳ vọng dòng vốn FDI chảy mạnh về Việt Nam. Trên thực tế, trái với lo ngại trước đó của KBSV, hoạt động xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm của Việt Nam vẫn tương đối tích cực và tính đến cuối tháng 6, cán cân thương mại thặng dư 4 tỷ USD. Cùng với đó, thống kê cũng cho thấy kiều hối 5 tháng của thành phố Hồ Chí Minh (chiếm 30% lượng kiều hối cả nước) là 2,3 tỷ USD chỉ giảm 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đối tích cực so với những lo ngại trước đó về sự sụt giảm mạnh của kiều hối do dịch bệnh toàn cầu.
Hai yếu tố giúp xu hướng đồng USD nghiêng nhiều về phía giảm bao gồm: 1) Fed bơm tiền nhiều hơn tương đối so với các quốc gia khác như Nhật, EU; 2) Dịch bệnh còn diễn biến phức tạp ở Mỹ khiến kỳ vọng tăng trưởng GDP mạnh hơn ở phần còn lại của thế giới.
Ngược lại, yếu tố chính khiến DXY tăng giá bao gồm: 1) chênh lệch lãi suất của Mỹ và nhóm các quốc gia phát triển đã giảm khoảng 180 điểm cơ bản kể từ tháng 10 năm 2018 khiến dư địa FED giảm lãi suất sẽ ít hơn; 2) căng thẳng thương mại Mỹ – Trung; và 3) dịch bệnh bùng phát mạnh trở lại trên quy mô toàn cầu khiến nhu cầu về USD có thể tăng vọt như giai đoạn cuối tháng 3.