Tới Israel để thăm con, người đàn ông bị cấm xuất cảnh 8.000 năm
Noam Huppert, 44 tuổi, là một nhà hóa học phân tích làm việc tại các hãng dược phẩm ở Australia. Ông đã kết hôn với một phụ nữ người Israel vào năm 2007 và đến năm 2012 thì “đường ai nấy đi”. Sau đó, người phụ nữ quyết định đưa hai con chung của họ về nhà ngoại ở Israel.
Không lâu sau, vào năm 2013, Huppert tới Israel để thăm các con, có nằm mơ ông cũng không ngờ rằng ông sẽ hối hận vì chuyến đi này. Vợ cũ của Huppert đã đệ đơn ly hôn và đòi quyền chu cấp tại tòa án Israel. Theo đó, tòa án ban hành lệnh cấm xuất cảnh đối với ông, kể cả đi du lịch hoặc công tác cũng không được, trừ khi ông trả được khoản tiền nuôi dưỡng đến khi hai đứa con 18 tuổi. Số tiền ước tính là 3,34 triệu USD.
“Tôi là một trong số nhiều công dân nước ngoài bị hệ thống tư pháp của Israel đàn áp chỉ vì đã kết hôn với phụ nữ Israel”, anh cho biết. Không ai biết rõ tại sao ngày 31/12/9999 lại được chọn, có vẻ như đây là ngày tối đa mà hệ thống máy tính có thể nhận ra. Ngay cả khi Huppert có thể xoay sở trả hết các khoản nợ của mình, ông vẫn sẽ không thể đến 68 quốc gia nằm trong Danh sách Đỏ bao gồm Đức, Vương quốc Anh và Mỹ do các hạn chế đi lại do đại dịch của Israel.
Marianne Azizi, một nhà báo tự do, cho biết số lượng đàn ông bị ảnh hưởng bởi đạo luật này của Israel là không đếm xuể. Theo thống kê, hàng trăm công dân Australia cũng đang phải chịu cảnh ngộ tương tự.
Tại quốc gia này, một người phụ nữ có thể dễ dàng cấm cha của con họ đi bất cứ đâu để đảm bảo nhận được tiền chu cấp nuôi con, Sorin Luca, đạo diễn một bộ phim tài liệu về luật ly hôn của Israel có tên “Lệnh cấm xuất cảnh”, cho biết. “Một khi có lệnh, người đàn ông có thể bị bỏ tù 21 ngày mà không cần bất kỳ cuộc điều tra về tài chính nào. Đàn ông phải trả 100%, thậm chí nhiều hơn thu nhập của họ để trang trải cho con cái”, Sorin nói.
Bộ ngoại giao Mỹ đã nhiều lần thông báo đến công dân nước mình, nhấn mạnh rằng một người có thể sẽ bị lưu trú không tự nguyện trong thời gian dài hoặc thậm chí bị bỏ tù tại Israel nếu bị kiện ra tòa án tôn giáo. Điều này sẽ vẫn diễn ra ngay cả khi cuộc hôn nhân vốn diễn ra ở Mỹ và bất kể vợ/chồng của họ có mặt ở Israel hay không.