Nợ xấu đang cởi mở hơn
Ngày 18/8, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng tổ chức hội nghị triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm 2020.
Khoảng thời gian còn lại là 4 tháng. Dự kiến khó có phép màu để thực hiện trọn vẹn mục tiêu của cơ quan này, cũng như của toàn ngành.
NHỮNG CUỘC NHƯỢNG BỘ LỚN
Theo Đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, toàn ngành có mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng, nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3% (không bao gồm các ngân hàng thương mại yếu kém đã được Chính phủ phê duyệt phương án xử lý).
Thủ tướng phê duyệt đề án trên vào tháng 7/2017, tức khoảng thời gian thực hiện mục tiêu đó không được tròn 5 năm như lộ trình. Còn nếu tính từ đầu giai đoạn, năm 2016, tỷ lệ nợ xấu nhận diện tổng thể lên tới trên 10%.
Chỉ sau hơn hai năm kể từ khi Đề án và mục tiêu trên xác định, toàn hệ thống ngân hàng đã nhanh chóng xử lý được lượng lớn nợ xấu, kéo vùng nhận diện trên xuống chỉ còn quanh 5% vào cuối 2019. Và với tốc độ này, 2020 có triển vọng hoàn thành mục tiêu dưới 3%.
Bên cạnh kết quả cụ thể đó còn có những giá trị khác nữa.
Trong một lần trao đổi với phóng viên BizLIVE, một lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng Nhà nước nói rằng, phải sau một quá trình với nhiều vướng mắc, nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, toàn hệ thống mới đạt được điểm quan trọng nhất trong xử lý nợ xấu: khung khổ pháp lý.
Thứ nhất, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu CỦA các tổ chức tín dụng (chữ “CỦA” này xin được đề cập phần sau – PV). Nghị quyết này tạo những điều kiện pháp lý mới hỗ trợ cho toàn hệ thống.
Thứ hai, Luật Các tổ chức tín dụng với những sửa đổi, bổ sung mang tính chốt chặn cần thiết cũng đã được Quốc hội thông qua. Trong đó, chốt chặn về sở hữu chéo, sân sau được thiết lập cụ thể hơn – một trong những nguyên nhân dẫn đến thao túng, rút ruột ngân hàng trước đây để rồi tạo nợ xấu hệ lụy cho đến nay. Cùng đó, quan điểm “tiền tươi” để sở hữu cổ phần ngân hàng cũng được luật hóa. Và những hỗ trợ liên quan đến cơ chế vốn cho tái cơ cấu ngân hàng yếu kém cũng được tạo khung pháp lý cụ thể.
Như vậy, tổng hòa nỗ lực của hệ thống, cơ chế pháp lý hỗ trợ, khách hàng hồi phục và trả nợ…, nợ xấu có bước xử lý mạnh với kết quả tích cực nói trên.
Tuy nhiên, khi mà toàn hệ thống đang hướng về hoàn thành mục tiêu, đại dịch Covid-19 xẩy ra.
Báo cáo tài chính các ngân hàng kỳ 6 tháng đầu năm nay nói chung cho thấy xu hướng nợ xấu tăng trở lại. Đó mới chỉ một phần. Phần được chú ý nằm ở khối lượng cơ cấu lại theo Thông tư 01 cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Ngân hàng Nhà nước thường xuyên cập nhật khối lượng cơ cấu lại này, mà không phải chuyển nhóm. Quy mô đã hàng trăm nghìn tỷ. Nợ xấu tiềm ẩn ở đây. Nhưng xác định cụ thể không dễ, vì trong đó có cấu phần nợ không hẳn xấu, nếu chuyển thẳng sang nhóm 2 mà không cơ cấu thì vẫn không phải là nợ xấu; hay trong phần cơ cấu theo Thông tư 01 thực tế có phần không hẳn là nợ xấu nếu không cơ cấu mà mới chỉ ở mức độ chuyển từ nhóm 1 sang nhóm 2…
Thông tư 01 là lần nhượng bộ tiếp theo của hệ thống. Trước đây đã có hai cuộc nhượng bộ lớn: cơ cấu lại nợ theo Quyết định 780 mà không phải chuyển nhóm (quy mô từng đề cập đến khoảng 300.000 tỷ đồng); nợ bán sang VAMC cũng để giãn ra xử lý trong 5 năm (quy mô cũng từng hơn 300.000 tỷ đồng).
Nay, như trên, Thông tư 01 và tới đây dự kiến mở rộng phạm vi và đối tượng được cơ cấu lại nợ mà không phải chuyển nhóm là cuộc nhượng bộ đáng chú ý thứ ba.