Giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp, bao nhiêu là đủ?
Trước ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19 tới đời sống người dân, doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước đã quyết liệt hơn trong các giải pháp để hỗ trợ nền kinh tế, trong đó có yêu cầu các ngân hàng giảm lãi suất thực chất, tăng cường giám sát để chắc chắn các ngân hàng thực hiện đúng cam kết; tiếp tục triển khai kế hoạch giãn, hoãn, tái cơ cấu các khoản nợ đến hạn.
Nhiều ngân hàng đã có động thái giảm lãi suất cho vay, đặc biệt là những lĩnh vực chịu tác động nặng nề từ dịch bệnh như du lịch, vận tải, khách sạn, ăn uống hay xuất nhập khẩu và doanh nghiệp nằm trong vùng đang giãn cách theo chỉ thị 16 của Chính phủ với mức giảm từ 1-2,5%.
Đây là đợt giảm lãi suất lớn nhất từ trước tới nay với sự tham gia của hầu hết các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp và các hiệp hội doanh nghiệp cho rằng, như vậy là vẫn chưa đủ cả về diện và chất.
Cùng với đề xuất giãn, hoãn, tái cơ cấu các khoản nợ, các doanh nghiệp tiếp tục đề xuất hệ thống ngân hàng mở rộng đối tượng và giảm lãi suất xuống mức thấp hơn nữa, về khoảng 5-7% – tương ứng kỳ ngắn hạn và trung, dài hạn.
Các doanh nghiệp cho rằng, đây là mức lãi suất phù hợp để doanh nghiệp tiếp tục duy trì hoạt động cũng như có sức bật, cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới sau đại dịch.
TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận xét: Ở tình thế hiện tại, cần đặt vấn đề trong bối cảnh đặc biệt, không thể chỉ nghĩ làm sao cho doanh nghiệp sống lay lắt mà phải tư duy để doanh nghiệp có thể nhanh chóng đứng dậy, cạnh tranh được sau đại dịch.
Theo đó, Chinh phủ cần thiết kế chính sách theo hướng chọn ra các doanh nghiệp có khả năng sốt sót, sẽ tăng trưởng mạnh sau dịch để hỗ trợ. Trong mối quan hệ tín dụng, ở thời điểm hiện tại, doanh nghiệp cần mức lãi suất thấp để tồn tại.
“Nếu lãi suất cho vay giảm xuống 5-6% thì sức sống của doanh nghiệp Việt sẽ rất mạnh mẽ, tạo động lực rất lớn cho doanh nghiệp tồn tại và vươn lên sau đại dịch”, ông Thiên nói.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính cho rằng: Lãi suất 5-7% có thể coi là lý tưởng cho doanh nghiệp Việt khi mức này tương đương với một số nước phát triển hơn trong khu vực.
Tuy nhiên, ông Hiếu cũng nhận định, trong bối cảnh hiện tại của Việt Nam thì rất khó để giảm thêm được lãi suất cho vay, vì lãi suất huy động đã giảm xuống mức thấp kỷ lục và đã tiệm cận với dự báo lạm phát năm 2021.
“Nếu không thể giảm thêm lãi suất huy động mà giảm lãi suất cho vay xuống mức 5-7% thì các ngân hàng kinh doanh sẽ lỗ vì còn phải chịu các chi phí như trích lập dự phòng, chi phí hoạt động, chi phí đầu tư…”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.
Đề xuất giảm lãi suất cho vay xuống mức 5-7% cũng vấp phải nhiều ý kiến phản đối từ phía các chuyên gia kinh tế vì cho rằng như vậy là phi thị trường.
TS. Lê Xuân Nghĩa khẳng định nếu lãi suất xuống quá thấp sẽ rơi vào bẫy thanh khoản. Người gửi tiền sẽ rút ra để đầu tư chứng khoán, bất động sản; nếu với cường độ mạnh, ồ ạt, một ngân hàng yếu kém nào đó có thể sẽ sụp đổ dẫn tới phản ứng dây chuyền, đe doạ tới cả hệ thống tài chính. Vì vậy, ông Nghĩa lưu ý: “Nên hài hoà trong yêu cầu các ngân hàng giảm lãi suất ở thời điểm hiện tại”.
Ngoài ra, ông Nghĩa cũng nhấn mạnh rằng: “Chúng ta đang so sánh lãi suất huy động ngắn hạn với lãi suất cho vay chủ yếu là trung dài hạn. Ở Việt Nam, huy động chủ yếu là ngắn hạn, trong khi cho vay lại phần lớn là dài hạn, với kỳ hạn lên tới 3 năm, 5 năm, thậm chí 10, 15 năm. Do vậy, hệ thống ngân hàng đối mặt với rủi ro lớn về thanh khoản theo kỳ hạn. Cùng với đó là lãi suất huy động dài hạn hiện khoảng 7% thì lãi suất cho vay trung dài hạn 10-11% thì không có gì quá đáng”, ông Nghĩa nói.
Có nên giảm lãi suất lĩnh vực bất động sản?
Trước việc bất động sản không nằm trong nhóm được giảm lãi suất do tác động của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp địa ốc đã lên tiếng mong muốn được đối xử công bằng với các ngành nghề khác.
Các doanh nghiệp bất động sản cho rằng họ cũng chịu tác động từ dịch bệnh kéo dài, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu và dòng tiền dẫn đến không đảm bảo được khả năng thanh toán các khoản vay đến hạn.
Bất động sản cũng là lĩnh vực trọng yếu đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế và tác động đến hơn 200 ngành nghề liên quan. Vì vậy, việc áp dụng chính sách ưu đãi lãi suất loại trừ bất động sản là chưa công bằng.
Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận R&D DKRA Vietnam cho biết, thực tế do đợt dịch lần này kéo dài, gần như tất cả các doanh nghiệp bất động sản, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn rất lớn. Từ suốt quý 2/2021 đến nay, doanh nghiệp bất động sản bán hàng khó khăn, không có doanh thu, dòng tiền sụt giảm mạnh, trong khi vẫn phải duy trì hoạt động bộ máy, chi phí nhân sự, dự án, mặt bằng, vay ngân hàng vẫn phải trả… Vì vậy, nếu không có sự hỗ trợ từ giãn, giảm nợ hoặc lãi vay thì doanh nghiệp sẽ rất khó khăn.
Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá ở thời điểm hiện tại không còn dư địa để hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp bất động sản.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho biết, lĩnh vực bất động sản có chịu tác động từ dịch bệnh nhưng không quá nặng nề như các lĩnh vực du lịch, vận tải, lưu trú – ăn uống… Nên về mặt lý thuyết bất động sản chưa có trong danh sách ngành nghề ưu tiên xem xét hỗ trợ.
“Các doanh nghiệp bất động sản thực sự khó khăn về dòng tiền, khả năng trả nợ đến hạn có thể trao đổi cụ thể với các TCTD để xem xét giãn, hoãn nợ. Còn giảm lãi suất thì rất khó và NHNN đứng vai trò cơ quan quản lý cũng không thể can thiệp vào vấn đề này”, ông Lực nói.
TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, với các doanh nghiệp bất động sản, ngân hàng có thể áp dụng giãn, hoãn, không chuyển nợ vì nhóm này cũng chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh, ảnh hưởng tới dòng tiền. Tuy nhiên, giảm lãi suất phải tuỳ vào khả năng từng ngân hàng mà NHNN không thể đứng ra can thiệp.
“Room giảm lãi suất của ngành ngân hàng hiện nay cũng không quá lớn. Vì vậy, việc lựa chọn đối tượng giảm lãi suất cũng là rất cần thiết ở thời điểm hiện tại”, ông Nghĩa nói.