2021 là năm của vắc-xin: 9 tỷ mũi tiêm đã tránh cho nhân loại một thảm kịch lặp lại
Đã hơn 2 năm kể từ bài viết đầu tiên Genk thực hiện về COVID-19, đó cũng là những ngày cuối năm cận tết âm lịch 2020: Virus SARS-CoV-2 vẫn chưa được đặt tên, và người ta chỉ biết có một chủng virus nào đó đang gây ra một căn bệnh “viêm phổi lạ” ở Trung Quốc.
Kể từ đó tới nay, chúng tôi đã liên tục truyền tải tới quý độc giả những diễn biến quan trọng của dịch bệnh: Từ những ca nhiễm và tử vong đếm được trên đầu ngón tay, tới khi COVID-19 được WHO công nhận là một đại dịch toàn cầu, và hiện đã lây nhiễm hơn 340 triệu người khiến hơn 5,5 triệu người tử vong.
Nhưng 2 năm cũng là khoảng thời gian đủ cho chúng ta thấy: Khi phải đối mặt với một đại dịch toàn cầu, cỗ máy khoa học của thế kỷ 21 đã làm việc hiệu quả đến thế nào!
“Trong các thời đại trước, khi con người phải đối mặt với một bệnh dịch chẳng hạn như Cái chết Đen, họ không biết điều gì đã gây ra nó hoặc làm thế nào để ngăn chặn. Khi đại dịch cúm năm 1918 xảy ra, các nhà khoa học giỏi nhất trên thế giới cũng không thể xác định được loại virus gây chết người“, nhà sử học, triết học Yuval Noah Harari, tác giả cuốn sách “Sapiens: Lược sử loài người” cho biết.
“Với COVID-19 bây giờ đã rất khác. Hồi chuông cảnh báo đầu tiên về một trận dịch mới tiềm ẩn bắt đầu vang lên vào cuối tháng 12 năm 2019. Đến ngày 10 tháng 1 năm 2020, các nhà khoa học không chỉ phân lập được virus gây bệnh mà còn giải mã bộ gen của nó và công bố thông tin lên internet.
Chỉ vài tháng tiếp theo, người ta đã thấy rõ những biện pháp nào có thể làm chậm và ngăn chặn chuỗi lây nhiễm. Trong vòng chưa đầy một năm, một số vắc-xin hiệu quả đã được sản xuất hàng loạt. Trong cuộc chiến giữa con người và mầm bệnh, chưa bao giờ con người lại mạnh mẽ đến thế”.
Đó cũng là lý do mà hội đồng giải thưởng VinFuture đã quyết định trao giải Grand Prize, giải thưởng cao quý nhất trị giá 3 triệu USD cho ba nhà khoa học đã có công tạo ra loại vắc-xin đầu tiên cho con người trong đại dịch COVID-19: Giáo sư Katalin Karikó và Giáo sư Drew Weissman – hai nhà khoa học đã tìm ra cách giúp các phân tử mRNA nhân tạo tồn tại bền vững không bị hệ miễn dịch đào thải, và Giáo sư Pieter Cullis – người đã sáng chế ra những hạt nano lipid có khả năng gói các phân tử mRNA để chúng không bị phân hủy trước đi đến được tế bào cần đến.
Các công trình nghiên cứu này đã được thực hiện một cách thầm lặng trong hàng thập kỷ để giúp con người có được những liều vắc-xin mRNA hôm nay. Đúng như tinh thần của giải thưởng VinFuture Katalin Karikó, Drew Weissman và Pieter Cullis xứng đáng là những người đã “giúp thế giới vượt qua những thử thách cam go và làm cho cuộc sống của nhân loại ngày càng tốt đẹp hơn“.