Những lưu ý không nên bỏ qua khi “bỏ tiền” vào cơn sốt đất
Theo hầu hết các chuyên gia trong ngành, pháp lý của dự án phải được quan tâm hàng đầu trước khi tìm hiểu thêm về dự án. Khi có pháp lý đã đầy đủ, minh bạch thì người mua đã hạn chế được 90% rủi ro của dự án.
Yếu tố thứ hai nhà đầu tư cần quan tâm chính là vị trí và hạ tầng xung quanh dự án. Một dự án được coi là có tiềm năng tăng giá, tính thanh khoản cao phải có vị trí nằm gần khu dân cư sầm uất, xung quanh hạ tầng được đầu tư chỉn chu, thuận tiện kết nối với các khu vực trung tâm. Vì khi hạ tầng được đầu tư phát triển sẽ giúp tăng giá trị tại khu vực đó.
Thứ ba là uy tín, năng lực của chủ đầu tư. Nhà đầu tư nên chọn các dự án lớn, được triển khai làm nhiều giai đoạn. Ngoài ra, nhà đầu tư cần tìm hiểu năng lực của chủ đầu tư qua các dự án trước đó để tham khảo thêm.
Thực tế, trên thị trường có những chủ đầu tư thực hiện hàng chục, thậm chí hàng trăm dự án với khoảng thời gian hàng chục năm, cũng có chủ đầu tư mới chỉ nghe tên lần đầu nhưng cam kết lợi nhuận cực cao.
Ngoài ra, các chuyên gia bất động sản cho rằng, khi lựa chọn một dự án để ở hay đầu tư không chỉ xét các yếu tố như vị trí, mức giá ban đầu hay tiện ích, nhà đầu tư cần phải chú trọng đến 3 yếu tố tiên quyết khi xuống tiền đầu tư một dự án: sự an toàn, tính thanh khoản và lợi nhuận bền vững.
Ts Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho rằng, những rủi ro mà nhà đầu tư cần lưu ý trong giai đoạn này.
Nếu nền kinh tế gặp khó khăn và dịch bệnh tiếp tục gây ra những hạn chế về giãn cách xã hội (nếu có) cũng như vấn đề khác liên quan đến nền kinh tế, thì tính thanh khoản của tài sản là rủi ro lớn nhất. Riêng về thị trường bất động sản nhà ở thì khó có thể giảm, bởi vì nguồn cung trên thị trường trong thời gian qua rất thiếu ở nhiều phân khúc khác nhau, đặc biệt là phân khúc giá trị vừa phải và trung cấp. Đối với người dân, với khoảng tầm 1 – 3 tỷ đồng để mua một sản phẩm nhà ở tại Tp.HCM cũng là một câu chuyện lớn. Như vậy, nếu rủi ro có xảy ra thì tính thanh khoản của sản phẩm sẽ đáng lo hơn là giá trị bị rớt giá bởi vì những sản phẩm không phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận người dân.