Giá vàng vọt lên cao nhất 3 tháng
Giá vàng thế giới tăng mạnh ngay sáng đầu tuần lên mức cao nhất trong vòng 3 tháng do USD yếu đi và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm, trong bối cảnh dữ liệu kinh tế Mỹ tuần trước cho thấy doanh số bán lẻ của nước này tháng 4 bất ngờ bị đình trệ.
Theo đó, vàng giao ngay đầu giờ chiều nay tăng 0,6% vọt lên 1.853,5 USD/ounce, cao nhất kể từ 10/2; vàng giao tháng 6/2021 cũng tăng 0,9% lên 1.854,1 USD/ounce.
Trong nước hôm nay giá vàng cũng tăng mạnh. Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 56,10 – 56,45 triệu đồng/lượng (mua – bán), tăng 180.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 80.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần trước; chênh lệch giá mua – bán hiện là 350.000 đồng/lượng. Trong khi đó, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng ở mức 56,00 – 56,50 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 150.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 250.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên giao dịch cuối tuần; chênh lệch giá bán cao hơn giá mua là 500.000 đồng/lượng.
Số ca nhiễm Covid-19 mới ở một số quốc gia Châu Á tăng mạnh thúc đẩy tăng nhu cầu đối với kim loại vàng, một nơi trú ẩn an toàn cho tài sản của các nhà đầu tư.
Margaret Yang, chiến lược gia của DailyFX cho biết: “Lợi suất trái phiếu đang giảm và mặt khác, có vẻ như lo ngại về sự tái bùng phát virus Covid-19 ở Singapore, Đài Loan và các thị trường khác của châu Á – Thái Bình Dương thúc đẩy nhu cầu về sự an toàn”.
Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ – kỳ hạn tham chiếu – giảm xuống mức thấp nhất trong vòng gần một tuần, khiến cho dòng tiền chảy vào trái phiếu giảm đi.
Singapore sẽ đóng cửa hầu hết các trường học từ thứ Tư (19/5) sau khi chính quyền thông báo số trường hợp nhiễm Covid-19 tăng lên mức cao nhất trong nhiều tháng, trong khi Đài Loan áp đặt các quy định mới về việc hạn chế tụ tập và di chuyển.
Tại Ấn Độ, quốc gia đang hứng chịu làn sóng đại dịch nghiêm trọng nhất thế giới sau Mỹ, số ca nhiễm Covid-19 tính tới 16/5 đã lên tới gần 24,7 triệu người.
Các nhà đầu tư hiện đang chờ đợi biên bản cuộc họp gần đây nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, sẽ công bố vào 19/5, để biết thêm manh mối về chính sách tiền tệ Mỹ trong thời gian tới, và để xem có bất kỳ bình luận nào về vấn đề lạm phát tăng hay không.
“Lạm phát sẽ là động lực mạnh mẽ thúc đẩy giá vàng trong ngắn hạn và trung hạn. Thị trường luôn lo ngại về việc Fed sẽ cắt giảm những kích thích kinh tế, nhưng báo cáo về số việc làm mới trong lĩnh vực phi nông nghiệp đã làm giảm nỗi lo sợ đó”, chuyên gia Yang cho biết.
Doanh số bán lẻ của Mỹ tháng 4 cũng bất ngờ đình trệ do tác động từ những gói kích thích giảm dần. Theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ, tổng lượng bán lẻ tại nền kinh tế lớn nhất thế giới duy trì ổn định quanh ngưỡng dưới 620 tỷ USD, gần như đi ngang so với tháng liền trước. Tuy nhiên, bán lẻ có thể sẽ tăng tốc trong thời gian tới khi nền kinh tế tiếp tục mở cửa giữa bối cảnh tiền tiết kiệm của người dân đã lên mức cao kỷ lục.
Vàng được coi là rào cản chống lại lạm phát gia tăng.
Theo nhà phân tích kỹ thuật Wang Tao của Reuters, vàng giao ngay có thể tăng lên 1.876 USD/ounce, vì nó đã phá vỡ ngưỡng kháng cự 1.847 USD.
Sau khi lao dốc trong quý đầu tiên của năm nay, giá vàng đã hồi phục trong bối cảnh thiếu sự chắc chắn về tốc độ hồi phục của nền kinh tế toàn cầu sau đại dịch, dự báo lạm phát sẽ gia tăng và Fed đảm bảo sẽ duy trì lâu dài chính sách tiền tệ như hiện tại.
Các nhà đầu tư có thể sẽ quay trở lại quan tâm tới kim loại quý này. Bằng chứng là các quỹ quản lý đầu cơ đã tăng đặt cược vào vàng, đẩy giá tăng lên mức cao nhất 3 tháng, trong khi dữ liệu của Bloomberg cho thấy tỷ lệ vàng nắm giữ bởi các quỹ ETF đã tăng 6 phiên liên tiếp.
Tham khảo: Cnbc, Bloomberg