Bóng đá mùa Euro và những quy tắc sống còn quý giá rút ra trong đầu tư chứng khoán?
Có thể thấy, bóng đá luôn được biết tới với biệt danh môn thể thao vua do sở hữu hàng tỉ tín đồ đam mê, phát cuồng trên thế giới. Một nghiên cứu mới đây đã lý giải việc tại sao phần lớn chúng ta khi lại đam mê bóng đá cũng như công cụ đầu tư khi bắt đầu gắn đời mình với chúng tới vậy.
Trong thế giới 2 môn này, đầu cơ hay đầu tư, tấn công hay phòng thủ, ngắn hạn hay dài hạn đều không quan trọng. Quan trọng là phải đào sâu nghiên cứu và đi tới tận cùng phương pháp của mình. Đôi khi bạn phải bỏ ngoài tai những lời bình luận ác ý, những lời chê bai đầy tính thù địch.
Trong cuốn sách “The Secret Lives of Sport Fans: The Science of Sports Obsession”, dưới góc độ nghiên cứu về y khoa, tác giả cuốn sách, ông Eric Simons cho biết, cơ thể chúng ta sẽ có những phản ứng tương tự như những gì chúng ta được chứng kiến. Nói đơn giản, khi các cầu thủ chơi bóng, hormone testosterone được giải phóng và gây nên sự kích thích ở các vận động viên.
Do đó, xem các cầu thủ thi đấu căng thẳng nghẹt thở cũng khiến lượng testosterone trong chúng ta thay đổi. Testosterone sẽ tăng lên khi đội bóng yêu thích của bạn chiến thắng và giảm đi khi đội bóng ấy thua trận. Chính cảm giác này khiến cho con người “phát cuồng” vì môn thể thao vua. Ông cũng so sánh sự tiết testostrerone này khi nghiên cứu một nhóm nhà đầu tư chuyên nghiệp tham gia thị trường chứng khoán thường xuyên, hàng ngày dành ra nhiều thời gian ngồi trước bảng điện và cũng ra kết quả tương đồng như vậy.
Một điểm tương đồng khác dễ thấy trong bóng đá cũng như trong đầu tư chứng khoán. Bạn đang đi tìm kiếm lợi nhuận, thực ra cũng giống như các cầu thủ đi săn bàn thắng vậy. Hãy tập trung tấn công khi đối phương sơ suất nhất, khả năng chiến thắng mới cao được. Thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng như một trận cầu bóng đá. Có những lúc nó mơ màng buồn ngủ, nhưng cũng có lúc điên cuồng, rực lửa và đều có một đặc điểm chung là không bao giờ đoán được trước kết quả.
Nói tới đây, các bạn cũng thấy chúng ta có cả tỷ quy tắc chung giống nhau giữa môn thể thao vua bóng đá và việc đầu tư chứng khoán. Giờ chúng ta hãy cùng nhau khám phá vài điều sau đây…
Chấp nhận phòng thủ khi cần
Ai chả muốn tấn công tưng bừng hoa lá để dồn ép đối thủ đến tắt thở. Ai chẳng muốn được khán giả tung hô, vỗ tay hưởng ứng. Nhưng đối diện với thực tế khắc nghiệt thì không thể nào làm hoàn mỹ hết được.
Đời người luôn phải đối diện với thực trạng được này mất kia. Đôi khi để đoạt chức vô địch bạn buộc phải cắn răng mà phòng thủ. Đôi khi để đạt được lợi nhuận và bảo vệ thành quả thì bạn phải cầm tiền và ngồi im. Vì khi đó “tấn công” chỉ làm mất tiền.
Nắm bắt thời cơ tấn công
Trong bóng đá, bỏ lỡ cơ hội tốt để ghi bàn có thể gây “tổn thương” còn hơn cả một đội bóng thua thật sự. Đầu tư chứng khoán cũng vậy, trong sự nghiệp của mỗi nhà đầu tư ắt hẳn ai cũng từng một lần bỏ lỡ cơ hội ngàn vàng hiếm có khó bao giờ có thể quay ngược trở lại.
Cũng chính từ những trải nghiệm tiếc nuối đó, chúng ta hãy luôn trang bị thật tốt mọi kiến thức cũng như kĩ năng để lúc nào bản thân cũng trong tư thế “nắm bắt kịp thời cơ hội”. Khi chúng ta có ý thức rõ rệt về tầm quan trọng của cơ hội, và luôn “ra tay” đúng thời điểm, ắt hẳn thành công sẽ tự tìm tới chúng ta.
Trong bóng đá, việc đầu tiên để chiến thắng trước tiên phải không thua. Mọi sai lầm dù là nhỏ nhất đều phải trả giá bằng danh hiệu và điểm số. Khi tìm hiểu về triết lý đầu tư của George Soros, ta chợt nhận ra sự giống nhau đến kỳ lạ ở một điểm: “Không được phép để mất tiền – còn tiền là còn cơ hội”.
Dường như khi một nhà đầu tư không quan tâm đến việc quản trị rủi ro, khi có các biến động bất ngờ ngoài dự kiến trên thị trường thì sự thua lỗ sẽ đến rất nhanh chóng. Để chiến thắng trên thị trường chứng khoán cũng vậy. Là một nhà đầu tư chúng ta cũng phải học cách quản trị tốt rủi ro và thích nghi nhanh với sự thay đổi của thị trường. Bởi thị trường tài chính, nơi mà các lứa nhà đầu tư mới – cũ tồn tại đan xen, luôn thay đổi đến chóng mặt.
Quý trọng cả thất bại lẫn thành công
Các thương vụ thua lỗ là người thầy tài giỏi nhất của bạn. Chúng cho thấy phân tích và đánh giá của bạn có điều gì đó sai lầm. Hoặc có thể chỉ đơn giản là thị trường đã không diễn biến như những gì bạn suy nghĩ.
Có thể bạn đang tìm kiếm các điểm bứt phá mạnh trong khi thị trường lại chỉ dao động trong một vùng giới hạn. Hoặc có thể bạn đã quá chậm khi theo đuổi một xu hướng vì thực tế là thị trường đã lên tới đỉnh rồi.
Khi có một trạng thái giao dịch thua lỗ, suy đoán của bạn có điều gì đó bất ổn so với diễn biến của thị trường. Vì vậy, hãy xác định một cách khách quan điều đó là gì, sau đó điều chỉnh cách nhìn nhận của bạn một chút nếu cần và quay trở lại giao dịch.