Chứng khoán lập đỉnh cao, đô la hóa tạo đáy sâu nhưng một áp lực mới đang gợi mở

Chứng khoán lập đỉnh cao, đô la hóa tạo đáy sâu nhưng một áp lực mới đang gợi mở

Như BizLIVE thông tin ở bài viết gần đây , thảo luận tại tổ trong khuôn khổ kỳ họp thứ hai của Quốc hội ngày 29/10 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có đánh giá về thị trường chứng khoán (TTCK) hiện nay.

Theo ông, chỉ số VN-Index lập kỷ lục mới cùng thanh khoản lớn phản ánh thị trường chứng khoán hiện đang tốt, những tín hiệu tốt, gắn với niềm tin đối với nền kinh tế.

Cùng đó, Bộ trưởng Phớc bước đầu đề cập với phương án huy động nguồn lực ngoại tệ trong dân cư bằng công trái ngoại tệ. Một cơ sở được dẫn đến là lãi suất tiền gửi ngoại tệ (USD) hiện 0%, nên công trái ngoại tệ sẽ có điều kiện thu hút.

Thông tin bước đầu đưa ra, phương án trên nếu triển khai sẽ không ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ.

Tuy nhiên, thực tế ảnh hưởng sẽ có những điểm cần nhìn tới.

“NGUỒN NỘI TỆ ĐANG TỐT MÀ”

Hai điểm nội dung trên tưởng như tương đối độc lập, song lại có mối liên hệ đáng kể. TTCK vừa qua và hiện nay sôi động, VN-Index liên tiếp lập đỉnh cao, quy mô giao dịch bùng nổ. Trong sự bùng nổ đó, một nguồn lực và động lực thúc đẩy có từ hoạt động chuyển đổi ngoại tệ sang VND để tham gia vào thị trường.

Đó là một hướng chuyển đổi nguồn lực trong dân cư, từ trạng thái găm giữ ngoại tệ từng thể hiện căng thẳng giai đoạn trước đây, sang tính linh hoạt và năng động hơn trên TTCK. Kênh đầu tư này cũng chuyển đổi được một phần nguồn lực trong dân cư sang nguồn vốn cho doanh nghiệp – nền kinh tế, qua mở rộng đối tượng tham gia và nguồn tiền mua cổ phần.

Chứng khoán không chỉ cổ phần, cổ phiếu. Nó còn cả mảng trái phiếu. Với trái phiếu Chính phủ, sau 12 năm thiết lập thị trường chuyên biệt, nguồn huy động đã liên tiếp tạo quy mô lớn, năm sau cao hơn năm trước; chi phí ngân sách nhà nước phải trả qua kênh này chỉ bằng 1/3-1/4 so với những giai đoạn trước đây (về lãi suất).

“Nguồn nội tệ đang tốt mà”, một chuyên gia khá bất ngờ khi trao đổi nhanh với BizLIVE về dự tính của Bộ Tài chính, huy động nguồn lực ngoại tệ trong dân cư qua phát hành công trái.

Thực tế, sau năm kỷ lục phát hành TPCP, năm nay Kho bạc Nhà nước cũng vừa nâng thêm kế hoạch dự kiến năm nay, với kỷ lục khối lượng mới. Nguồn vốn trên thị trường vẫn đáp ứng tốt, qua đều đặn các phiên đấu thầu suốt thời gian qua.

Vậy vì sao Bộ Tài chính tính huy động thêm ngoại tệ qua công trái, khi mà nội tệ đang tốt? Trường hợp cần ngoại tệ, thời gian qua Kho bạc Nhà nước vẫn tiến hành chào mua và thành công.

Song, phương án phát hành công trái ngoại tệ nói trên hẳn hướng đến quy mô lớn hơn.

Chi tiết chưa được Bộ Tài chính nêu cụ thể. Còn thực tế, không xa trước đây, với nhu cầu ngoại tệ, đầu mối này vẫn phát hành được TPCP bằng ngoại tệ và có định chế trong nước đáp ứng tốt (như trường hợp chỉ cần mỗi Vietcombank với quy mô khá lớn trước đây).

Thế nhưng, khi tính phát hành công trái ngoại tệ, câu chuyện lại hoàn toàn khác.

Chứng khoán lập đỉnh cao, đô la hóa tạo đáy sâu nhưng một áp lực mới đang gợi mở - Ảnh 1.