YSVN: Cổ phiếu thép, ngân hàng không còn nhiều dư địa tăng ngắn, trung hạn
Đánh giá tình hình vĩ mô Việt Nam, đội ngũ phân tích CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) dẫn số liệu tổng vốn FDI đăng ký 5 tháng đầu năm đạt gần 14 tỷ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ. Trong đó, có 613 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 8.483 tỷ USD, giảm 49,4% về số dự án và tăng 18,6% về số vốn đăng ký mới so với cùng kỳ 2020; 342 dự án đăng ký điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm 3,86 tỷ USD, giảm 21,6% về số dự án và tăng 11,7% về số vốn so với cùng kỳ năm ngoái. Vốn góp mua cổ phần đạt 1,3 tỷ USD, giảm 56,3%. YSVN đánh giá, tình hình đầu tư FDI có phần chững lại sau giai đoạn tăng mạnh vào tháng 3 nhờ dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II.
YSVN cho biết, CPI tăng 0,16%, dẫn đầu là nhóm giao thông (+0,76%) và nhà ở – vật liệu xây dựng (+0,4%); chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5/2021 tăng 1,6% so với tháng trước, hoạt động sản xuất công nghiệp trong tháng 5 tiếp tục duy trì đà tăng trưởng từ tháng 3 nhưng chậm lại do đợt bùng dịch COVID-19 gần đây; chỉ số PMI tháng 5/2021 đạt mức 53,1, thấp hơn con số 53,6 điểm của tháng 4. YSVN nhận định, đợt bùng phát mới đây của COVID-19 đã kìm hãm tăng trưởng của cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới. Tốc độ tăng sản lượng chậm lại và thành mức thấp của 3 tháng.
Đối với các hoạt động liên quan tới xuất nhập khẩu và đầu tư FDI, hoạt động xuất nhập khẩu vẫn duy trì tăng trưởng tốt và cần thêm thời gian để có sự gia tăng trong dòng vốn FDI vào Việt Nam.
Đánh giá về thị trường chứng khoán, P/E của chỉ số VN-Index gần mức P/E mục tiêu của Yuanta là 18,x, cho thấy thị trường đã không còn “rẻ”. Chỉ số VN-Index bước vào giai đoạn điều chỉnh với vùng hỗ trợ gần nhất 1.283 – 1.300 điểm.
Đồng thời, YSVN đánh giá nhóm cổ phiếu ngân hàng và thép không còn nhiều dư địa tăng trưởng ngắn và trung hạn cho nên các nhà đầu tư có thể xem xét tiếp tục nắm giữ và hạn chế mua vào hoặc có thể xem xét bán một phần tỷ trọng cổ phiếu.