Nguyễn Long Hải: Nhiếp ảnh không chỉ là ghi lại khoảnh khắc
Dù đang có công việc chính là thiết kế cho một ngân hàng tại Hà Nội, song Nguyễn Long Hải (1988) lại coi nhiếp ảnh là một đam mê sau khi bén duyên với nghề từ năm 2010.
Với Long Hải, chụp ảnh không chỉ là việc đưa ống kính lên mà còn là việc ghi lại những câu chuyện bằng hình ảnh của một không gian, thời gian nào đó. Anh mất nhiều năm để định hình phong cách cá nhân khi thử qua nhiều loại hình ảnh như chân dung, phong cảnh, đường phố, sự kiện…Nhưng có lẽ, chụp ảnh nhân vật giúp Hải thành công hơn cả và ngày càng được biết đến khi trở thành nhiếp ảnh gia quen thuộc với nhiều cặp đôi showbiz Việt hay giới nghệ sĩ tại Singapore, Malaysia như…………Trong mỗi nhân vật Hải chụp, có biểu cảm, có câu chuyện và có nội tâm. Và Hải, bằng chiếc máy ảnh quen thuộc, sẽ kể lại câu chuyện đó với nhiều màu sắc, dư vị của cuộc sống xoay quanh nhân vật. Đâu đó trong những bức ảnh, Hải còn thổi vào đó khát vọng, ước mơ mà anh cảm nhận được từ chính nhân vật của mình.
Để thành công như ngày hôm nay, Long Hải đã mất nhiều năm vừa tự tích lũy kinh nghiệm, vừa tìm cách kết nối giữa tư duy hội họa với kỹ năng làm chủ máy ảnh. Khi được hỏi “có khi nào sẽ chọn thiết kế hoặc nhiếp ảnh không”, Hải không ngần ngại khẳng định chắc nịch: “Chụp ảnh là đam mê còn thiết kế là công việc chính nên chắc chắn tôi sẽ duy trì cả hai. Nghề thiết kế cho tôi cảm nhận tốt về bố cục, ánh sáng khi chụp còn chụp ảnh lại hỗ trợ tôi nâng cao tay nghề thiết kế. Ảnh chụp về, tôi còn tự tay sửa, căn chỉnh màu sắc và hoàn thiện thành phẩm”.
Trong suốt hơn 10 năm làm nghề, Long Hải luôn đề cao tính thẩm mĩ, phong cách nghệ thuật và đạo đức nghề nghiệp. Anh luôn cho rằng, nhiếp ảnh với anh là đam mê chứ không phải chỉ là công việc. “Nhiếp ảnh tưởng là sự lặp lại của những quy trình. Nhưng thực ra, mỗi nhân vật đều có những góc cạnh, những câu chuyện khác nhau. Vì thế, trước khi chụp, tôi thường dành khá nhiều thời gian để tìm hiểu về nhân vật của mình và mọi điều xung quanh họ, thấu hiểu và thể hiện được câu chuyện của họ qua những bức hình”, Long Hải chia sẻ. Chính mục tiêu luôn tự vượt lên sự cầu toàn của bản thân đã giúp anh được đánh giá là ngày càng chuyên nghiệp và chỉn chu với tác phẩm của mình.
Không phải sở hữu một chiếc máy ảnh “xịn” với nhiều tính năng hiện đại là có thể trở thành nhiếp ảnh gia. Long Hải cho rằng, để có được một tấm ảnh được coi là đẹp, còn cần sự ủng hộ của khoảnh khắc, bố cục, ánh sáng và quan trọng là sự nhạy cảm để nắm bắt được “cái thần” của nhân vật, phong cảnh… Điều đó chỉ có thể có được khi nhiếp ảnh gia dành thời gian để trải nghiệm bởi chụp ảnh không đơn giản chỉ là bấm máy.